Không chủ quan với bệnh do não mô cầu

Cập nhật ngày: 25/03/2016 12:55:47

Theo Bộ Y tế, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, tại một số tỉnh, thành đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu (NMC), trong đó đã có trường hợp tử vong. Để người dân biết cách phòng ngừa, điều trị bệnh này, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế.


Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu

PV: Xin BS cho biết sơ lược về bệnh do NMC?

BS. Đoàn Tấn Bửu (Đ.T.B.): Bệnh NMC là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Nesseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn này có thể gây tổn thương nhiều nơi trong cơ thể nhưng chủ yếu là nhiễm trùng huyết và viêm màng não (VMN). Người là đối tượng tự nhiên, duy nhất mang mầm bệnh, bao gồm người bệnh và người lành mang trùng (mang vi trùng nhưng không mắc bệnh, vi trùng thường trú ở vùng họng mũi).

PV: Tình hình mắc bệnh do NMC từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh? Vì sao bệnh NMC nguy hiểm?

BS Đ.T.B.: 3 tháng đầu năm 2016, Đồng Tháp đã phát hiện 1 ca nhiễm NMC trên một quân nhân ở huyện Châu Thành. Bệnh nhân mắc bệnh thể VMN, đã được Viện Quân y 175 điều trị ổn định.

Bệnh NMC nguy hiểm vì bệnh có thể xảy ra khắp nơi, lây lan nhanh có thể gây thành dịch. Bệnh diễn biến cấp tính và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh VMN do NMC tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh VMN do nhiễm siêu vi thông thường. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng huyết tối cấp do NMC có thể dẫn tới tử vong trong 24 giờ hoặc tàn tật. Nếu người bệnh thể nhiễm trùng huyết tối cấp mà may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.

PV: Xin BS cho biết, ai có thể mắc bệnh NMC? Vi khuẩn lây lan như thế nào?

BS Đ.T.B.: Mọi người đều có thể mắc bệnh NMC, nhưng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên 14 - 20 tuổi, trước đó khỏe mạnh. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thường xảy ra ở những nơi đông người, điều kiện sống chật chội, kém vệ sinh. Ở miền Nam nước ta bệnh có thể xuất hiện vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa.

Bệnh lây lan chủ yếu do tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người lành mang trùng do hít phải những giọt li ti bắn ra khi người mang trùng nói chuyện, ho, hắt hơi. Các tiếp xúc hàng ngày như hôn, dùng chung khăn mặt, dụng cụ, ly tách; tiếp xúc với nhiều người như sống trong các khu tập thể, khu cắm trại... đều có thể dẫn đến lây truyền bệnh. Khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh.

PV: Người mắc bệnh NMC có những triệu chứng gì? Cách phòng ngừa, chữa trị?

BS Đ.T.B.: Bệnh NMC thường biểu hiện với 3 thể lâm sàng: VMN, VMN kèm nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng huyết không có VMN.

Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, nôn ói, xuất hiện chấm xuất huyết có màu đỏ (khi đè không mất) thường ở hông, mông, đầu gối, cẳng chân hay một số trường hợp có xuất huyết kết mạc. Trường hợp nặng trong vài giờ sau sốt, người bệnh có thể thay đổi tri giác, không nhận thức được, tay chân lạnh, da xanh, vả mồ hôi, những chấm xuất huyết màu đỏ to ra, xuất hiện nhiều hơn và trở nên tím thẫm hay hoại tử đen.

Thể nhiễm trùng huyết tối cấp diễn tiến nhanh chóng dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp và thường tử vong trong vòng 6 - 12 giờ sau khởi bệnh. Người bệnh thường bứt rứt, thay đổi tri giác sớm, tay chân giá lạnh, không còn mạch và huyết áp, xuất huyết dưới da nhiều nơi và có màu tím thẫm hay đỏ bầm. Đối tượng có tỷ lệ tử vong cao cho thể lâm sàng này là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên, đặc biệt là những thanh niên khỏe mạnh, vạm vỡ, hay trẻ bụ bẩm.

PV: BS có lời khuyên gì đến mọi người trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh NMC?

BS Đ.T.B.: Khi xuất hiện triệu chứng sốt, nổi chấm đỏ sớm trong 1 hay 2 ngày đầu của bệnh, người bệnh nên đến khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, xử trí và hướng dẫn kịp thời. Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm với kháng sinh thích hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và những biến chứng của bệnh lý này.

Bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin, và dự phòng nhiễm bệnh cho người có tiếp xúc gần với người đang bị bệnh bằng kháng sinh (tiếp xúc gần là tiếp xúc với khoảng cách dưới 1 mét, trong thời gian hơn 8 giờ hay sống cùng người bệnh trong thời gian 1 tuần trước hay 1 ngày sau khi bệnh nhân phát bệnh mà chưa được dùng kháng sinh). Rất cần thiết đưa trẻ đi tiêm chủng ngừa bệnh NMC nguy hiểm này. Giá vắc xin ngừa bệnh NMC týp A + C hiện nay khoảng 150.000 đồng, hiệu lực bảo vệ khoảng 3 năm. 

PV: Xin BS cho biết giải pháp của Sở Y tế  trong công tác phòng, chống bệnh do NMC?

BS Đ.T.B.: Các biện pháp chính yếu đã được ngành y tế tỉnh triển khai như giám sát chặt chẽ ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm để xác định ca bệnh; thực hiện xử lý ổ dịch từ ca đầu tiên theo đúng quy trình, không để lây lan; tăng cường công tác truyền thông cho nhân dân biết để phòng tránh; chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang bị, hóa chất để phòng, chống dịch. Ngoài ra, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống bệnh do NMC đến các đơn vị trực thuộc; công tác tập huấn lại, triển khai biện pháp phòng, chống đã được các đơn vị chuyên môn thực hiện (truyền thông, giám sát, điều trị).

PV: Xin cảm ơn BS!

Hữu Nghĩa (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn