Mượn danh “yêu nước” để kích động chống phá - chiêu bài cũ, thủ đoạn mới
Bài 1: Lợi dụng cải cách, kích động bất mãn, chống đối
Cập nhật ngày: 28/07/2025 09:51:02
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chuyển trạng thái từ "vừa chạy vừa xếp hàng" sang "hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến" vươn tới tương lai. Đó là hình ảnh mang tính biểu tượng mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII), như một sự khẳng định cho bước chuyển căn bản về tư duy chiến lược và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch lại ra sức tuyên truyền xuyên tạc, kích động tâm lý bất mãn, bất an, chống phá thể chế chính trị ở nước ta...

Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII) (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đằng sau những chiến dịch truyền thông "đen"
Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII) đã đưa ra nhiều quyết sách, định hướng quan trọng trên 3 nhóm nội dung trọng điểm: Công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho mục tiêu cải cách trong thời gian tới, đặc biệt là công tác cán bộ. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xây dựng thiết chế quản trị tinh gọn, liêm chính, gần dân hơn, sát dân hơn là bước đột phá thể hiện bản lĩnh chính trị và tầm nhìn chiến lược của Đảng.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực sắp xếp, ổn định, vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp bằng tư duy mới, hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, thì chiến dịch truyền thông “đen” của các thế lực thù địch cũng được khởi động một cách đầy toan tính. Dưới danh nghĩa "vì dân", "bảo vệ công lý", “đồng hành cùng dân tộc”... các tổ chức phản động lưu vong như "Việt Tân", "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"... cùng các phần tử phản động, cơ hội chính trị đồng loạt tung ra những sản phẩm truyền thông xuyên tạc trên không gian mạng. Chúng rêu rao rằng, cải cách là "thanh trừng nội bộ", là "dọn đường cho lợi ích nhóm", là "xóa bỏ dân chủ"... Một số đối tượng phản động là người Việt Nam ở nước ngoài tự xưng "nhà báo", "luật sư", “nhà dân chủ”, “học giả”, “lãnh đạo tối cao”... đã lan truyền những thứ gọi là “thư ngỏ”, “nghị quyết”, dựng clip giả, bóp méo trích dẫn báo chí chính thống, cố tình cắt ghép phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để “tung hỏa mù”, gây nhiễu loạn thông tin trong bối cảnh chúng ta đang nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách.
Đặc biệt, chúng tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương, như cán bộ, công chức, viên chức điều chuyển công tác, nằm trong diện tinh giản, chịu ảnh hưởng từ sắp xếp, tinh gọn bộ máy... Chúng rêu rao rằng chính sách của Đảng là "vô cảm", "xâm phạm sinh kế", "đẩy dân ra đường"... Các video deepfake, clip dựng bằng AI có hình ảnh người thật, giọng nói như thật xuất hiện ngày càng nhiều, tạo ảo giác rằng đó là tiếng nói của quần chúng, là sự thật khách quan, trong khi bản chất chỉ là sản phẩm của “chiến tranh thông tin” có chủ đích.
Chiêu bài không mới, nhưng nguy hiểm ở chỗ, chúng đánh trúng tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đúng thời điểm. Khi Quốc hội thông qua các nghị quyết về sáp nhập, tinh gọn bộ máy, chúng kích động gọi đó là "luật hóa việc sa thải". Mỗi chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước ban hành trong giai đoạn hiện nay đều được chúng biến thành đề tài để xuyên tạc, bóp méo, nhìn nhận, đánh giá qua lăng kính tiêu cực nhằm kích động tâm lý hoài nghi, bất mãn, bất an trong xã hội. Đằng sau những chiến dịch truyền thông “đen” mượn danh “vì dân”, “yêu nước”, “đồng hành cùng dân tộc”... là mưu đồ chống phá đầy toan tính. Không gian mạng và công nghệ AI được các thế lực thù địch tận dụng, khai thác như một “chiến địa”, hành động ảo gây hậu quả thật. Nếu người dùng mạng xã hội thiếu tỉnh táo, yếu bản lĩnh, rất dễ bị chúng lôi kéo, lợi dụng thành công cụ, thành "bia đỡ truyền thông" cho những mưu đồ phản động, chống phá đất nước.
Không để bị thao túng tâm lý, đánh tráo nhận thức
Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII) đã chỉ rõ, nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên mới là phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị công hiện đại; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kỷ cương, tiến bộ; tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, chuẩn bị chu đáo cho Đại hội XIV của Đảng... Đây là những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, được nhân dân đồng thuận, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, với mưu đồ chống phá đến cùng, các thế lực thù địch lại quy chụp, gọi đó là những "mỹ từ chính trị” để “che đậy sự bất công của chế độ"...
Chúng sử dụng AI dựng lên các tình huống giả mà như thật, như "công chức bật khóc khi bị sa thải", "cán bộ than khóc khi bị chuyển công tác"..., chúng khơi dậy nỗi bất an và cảm giác bị bỏ rơi. Một số đối tượng còn núp bóng "từ thiện độc lập", phát tiền, phát quà nhỏ giọt rồi quay clip tung lên mạng bằng thủ đoạn mị dân rằng "chính quyền bỏ rơi dân nghèo, chỉ có xã hội dân sự mới lo cho dân". Đây là những kiểu thao túng tâm lý để đánh tráo nhận thức. Khi cảm xúc bị dẫn dắt, lý trí bị đánh lạc hướng, một số người rất dễ bị lôi kéo, thậm chí bị đẩy đến vi phạm pháp luật mà không ý thức được hậu quả. Thực tế thời gian qua đã có một số người bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự vì hành vi chia sẻ, tán phát thông tin bịa đặt, phương hại đến an ninh quốc gia và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chúng ta phải tỉnh táo và nhận diện rõ ranh giới giữa phản ánh, phản biện chính sách và phá hoại thể chế. Không thể vì một bộ phận bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi mà phủ định chủ trương, nỗ lực cải cách, tinh gọn bộ máy. Càng không thể để một vài tiếng nói cực đoan dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực. Trong các hội nghị và những lần tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu, để hoàn thiện thể chế trong giai đoạn mới, phải đồng thời kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, xóa bỏ rào cản, bảo vệ cái đúng, mở đường cho cái mới. Điều này không chỉ đòi hỏi quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn cần sự ủng hộ, đồng thuận của toàn dân.
Sự phát triển của công nghệ AI hiện nay đặt ra yêu cầu mới về khả năng phân biệt đúng sai, nhận diện ngôn ngữ xuyên tạc, kỹ năng đối chiếu nguồn tin đối với cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước. Một cái share thiếu suy xét có thể thành giọt nước tràn ly trong dư luận. Một bình luận cảm tính theo kiểu a dua, hóng hớt, hội chứng đám đông, mang hàm ý chỉ trích, tiêu cực... cũng có thể trở thành cái cớ để kẻ xấu thổi bùng thành “đám cháy” truyền thông chống phá Đảng và đất nước. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân yêu nước cần ý thức được vai trò của mình trên không gian mạng. Hãy trở thành "người gác cửa thông tin", biết chọn lọc, biết phân tích và có trách nhiệm với mỗi phát ngôn, mỗi hành động của mình trên không gian mạng.
Thực tiễn đời sống xã hội và những biến động khó lường của tình hình thế giới đã chứng minh, không ai, không thế lực nào có thể làm thay Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo đất nước, chăm lo cho nhân dân. Công cuộc cải cách, điều chỉnh, dù có thể gặp những va vấp, thách thức, khó khăn, hy sinh... nhưng đều nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Kẻ thù không bao giờ từ bỏ âm mưu và chưa bao giờ ngừng kích động, chống phá, nhưng chúng ta có thể khiến chúng thất bại bằng sự tỉnh táo, bằng lòng tin vững chắc và bằng hành động cụ thể, không tiếp tay, không chia sẻ, không bình luận cổ xúy cho những nội dung độc hại, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng và ý nguyện của nhân dân. Không ai khác, chính mỗi chúng ta phải là "bức tường lửa" bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả đổi mới, công cuộc cải cách mạnh mẽ của đất nước và cũng chính là bảo vệ gia đình, người thân, bảo vệ chính mình...
(còn nữa)
Theo MỸ LONG - HÀ THANH (QĐND)