Đồng Tháp xếp hạng 4 chỉ số cải cách hành chính trong cả nước

Cập nhật ngày: 28/02/2014 04:51:46

Ngày 25/1/2014, Bộ Nội vụ công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2012 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Đồng Tháp được xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố (sau Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh), đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thuộc nhóm đạt chỉ số mức độ tốt của cả nước.


Kiểm tra công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện
chỉ số PAR của tỉnh

Chỉ số PAR được Bộ Nội vụ thí điểm vào năm 2011 tại 3 bộ và 6 tỉnh, thành phố và triển khai thực hiện rộng rãi trong cả nước vào năm 2012. PAR INDEX được xây dựng theo hướng bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, chú trọng cả tự đánh giá trong nội bộ từng cơ quan và cả đánh giá từ bên ngoài của người dân, doanh nghiệp đối với tình hình, kết quả thực hiện CCHC (cách tiếp cận này có điểm khác so với chỉ số PCI - đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp và chỉ số PAPI – đánh giá từ cảm nhận của người dân).

PAR INDEX 2012 lần đầu tiên được công bố đã phản ánh một cách tương đối toàn diện kết quả thực hiện CCHC trong năm 2012 cũng như những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực cải cách. Đây là nguồn thông tin quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh CCHC tại địa phương trong thời gian tới.

Chỉ số PAR cấp tỉnh được đánh giá dựa trên 8 chỉ số thành phần như: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ngoài 3 chỉ số: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt thứ hạng cao, nằm trong TOP 10 thì 5 chỉ số còn lại đạt thứ hạng không cao, đặc biệt chỉ số về cải cách thủ tục hành chính bị xếp hạng rất thấp 46/63.

Muốn duy trì và cải thiện chỉ số PAR của tỉnh, các cơ quan có liên quan cần nghiêm túc nhìn nhận lại kết quả thực hiện và trách nhiệm trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao trong chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020 và các kế hoạch của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, giai đoạn 2011 – 2020 và hàng năm: Trong đó, đặc biệt chú ý các nội dung bị xếp hạng thấp như: Nâng cao chất lượng thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh. Thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá, cập nhật thủ tục hành chính và công khai thủ tục hành chính do Sở Tư pháp chịu trách nhiệm tham mưu thực hiện.

Nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; thực hiện phân cấp quản lý và kết quả thực hiện quy chế làm việc của tỉnh. Chú ý xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tuyển dụng và bố trí, sử dụng công chức, viên chức; công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức; đổi mới công tác quản lý công chức; chất lượng công chức; cán bộ, công chức cấp xã, do Sở Nội vụ chịu trách nhiệm tham mưu thực hiện.

Chú ý thực hiện tốt các tiêu chí: Thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí tại cơ quan hành chính; Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công của địa phương; Chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục công của địa phương, do Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tham mưu thực hiện.

Văn Tấn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn