Hiệu quả vượt bậc từ sự quyết tâm thực hiện cải cách hành chính

Cập nhật ngày: 24/02/2016 13:04:14

Theo kết quả chấm điểm Chỉ số đánh giá cải cách hành chính (CCHC) năm 2015 của tỉnh vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đạt điểm cao nhất trong các sở, ban, ngành tỉnh (được 88,78 điểm), được xếp hạng II trong khối, chỉ đứng sau Văn phòng UBND tỉnh (đạt 90,44 điểm).


Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Có thể nói đây là kết quả tiến bộ vượt bậc của Sở LĐTBXH bởi vào năm 2014 kết quả chấm điểm Chỉ số đánh giá CCHC, xếp hạng của Sở đứng cuối bảng. Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2015 sau khi có kết quả Chỉ số đánh giá CCHC năm 2014, lãnh đạo Sở LĐTBXH đã tổ chức họp lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc để đánh giá công tác CCHC của Sở, rút kinh nghiệm những mặt đã làm được và chưa được, đồng thời có kế hoạch CCHC, phân công trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện công tác này.

Đặc biệt, lãnh đạo Sở luôn quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các phòng, ban, đơn vị trực thuộc lồng ghép nhiệm vụ CCHC vào các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của ngành. Lãnh đạo Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, chỉ đạo chấn chỉnh công tác cán bộ và rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC). Căn cứ Kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2015 của Sở, Văn phòng Sở phối hợp với Thanh tra Sở, Phòng Tài chính kế toán tiến hành kiểm tra 9 đơn vị trực thuộc nhằm phát hiện những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện CCHC và đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với từng đơn vị để nâng cao chất lượng công tác CCHC.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức (CBCCVC) đã được lãnh đạo Sở rất quan tâm. Tất cả các đơn vị trực thuộc đều thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tuyển dụng. Sở đã ban hành Kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trong năm, bao gồm đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, cử CBCCVC tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ... để chuẩn hóa trình độ và nâng cao trình độ CBCCVC. Trong năm 2015, Sở đã thực hiện thí điểm thi tuyển vị trí lãnh đạo theo Đề án của tỉnh nhằm lựa chọn các cá nhân có đủ năng lực quản lý và đã được bổ nhiệm sau khi có kết quả trúng tuyển, bao gồm 1 Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo nghề và 1 Phó Giám đốc Sở.

Sở đã tích cực tiến hành rà soát, thống kê lại toàn bộ các TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành, sửa đổi các thủ tục theo hướng đơn giản hóa TTHC, bổ sung thêm các thủ tục mới theo quy định để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công bố Bộ TTHC lĩnh vực LĐTBXH với 52 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 30 thủ tục cấp tỉnh, 15 thủ tục thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông từ cấp xã - huyện - tỉnh, 6 thủ tục thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông từ cấp xã - huyện và 1 thủ tục thuộc cấp xã. Trong năm, Sở đã tiếp nhận và giải quyết trên 1.852 hồ sơ cho tổ chức, công dân, thời gian giải quyết hồ sơ đúng hẹn và trước hẹn đạt hơn 97% (tăng hơn 10% so với năm 2014). Ngoài ra, lãnh đạo Sở đã bố trí đủ 2 cán bộ làm đầu mối kiểm soát TTHC. Trong năm 2015, không có tổ chức, cá nhân nào phản ánh, kiến nghị đối với các TTHC thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Thực hiện cải cách tài chính công, Sở đã quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính, tài sản công đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm. Sở đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP, quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn kinh phí khoán của đơn vị... Từ đó đã tiết kiệm kinh phí, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức làm việc tại Sở bình quân 300.000 đồng/người/tháng. Thực hiện quyền tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP tại 9 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, bình quân các đơn vị tiết kiệm để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức đạt bình quân từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/người/tháng. Đồng thời thực hiện niêm yết công khai các chế độ chi tiêu nội bộ, lương thưởng hàng tháng đúng quy định.

Bên cạnh đó, các phần mềm tin học ứng dụng trong quản lý văn bản, chế độ chính sách, quản lý các đối tượng thuộc ngành quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của ngành được tăng cường đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm văn bản hành chính và phục vụ có hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của đơn vị. Cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc; ứng dụng có hiệu quả phần mềm E-Office vào quản lý điều hành công việc, phần mềm một cửa điện tử trong tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ và phần mềm đánh giá cán bộ, công chức...

Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Kinh nghiệm của Sở để đạt kết quả tốt trong thực hiện CCHC là phải giao trách nhiệm cụ thể cho 1 cán bộ phụ trách công tác này để tham mưu cho lãnh đạo Sở về những vấn đề gì được và chưa được trong thực hiện CCHC. Đồng thời phải giao chỉ tiêu rạch ròi, phân công cụ thể việc thực hiện cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và phải thường xuyên kiểm soát, đảm bảo tiến độ thực hiện thì công tác CCHC sẽ đạt hiệu quả tốt.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn