Người dân từng bước chấp nhận các phương tiện tránh thai từ chương trình tiếp thị xã hội

Cập nhật ngày: 11/11/2013 04:03:06

Đối với ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Đồng Tháp việc đẩy mạnh chương trình tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT) nhãn hàng NightHappy là một trong những nhiệm vụ chính trị mới mẻ và quan trọng với ngành DS-KHHGĐ nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình DS-KHHGĐ ở địa phương. Chương trình còn góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng PTTT của người dân từ cung cấp miễn phí sang tự chi trả và thực hiện có hiệu quả việc phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh các bệnh lây truyền tình dục, HIV/AIDS.

Công tác TTXH các PTTT được tỉnh thực hiện từ năm 2012. Bước đầu triển khai, công tác TTXH các PTTT nhãn hiệu NightHappy gặp khá nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là bao cao su và viên uống tránh thai liều thấp nhãn hiệu NightHappy của chương trình TTXH mới xuất hiện trên thị trường, do đó người sử dụng PTTT vẫn nghĩ là được cung cấp miễn phí nên nhiều cộng tác viên TTXH các PTTT gặp khó khăn trong quá trình vận động người dân sử dụng. Cùng với đó là trình độ năng lực của đội ngũ thực hiện công tác TTXH các PTTT còn hạn chế. Công tác tuyên truyền gặp khó khăn do tranh, ảnh, pa nô, áp phích, tờ rơi còn quá ít. Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn cung cấp miễn phí bao cao su và tiếp thị một số mẫu mã khác của chương trình phòng, chống HIV/AIDS nên nhãn hiệu NightHappy khó cạnh tranh.

Để thực hiện có hiệu quả việc TTXH các PTTT, ngành dân số tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo 100% Trung tâm DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh thực hiện và phân công cán bộ phụ trách chương trình TTXH các PTTT. Đối với tuyến tỉnh, Phó Chi cục trưởng phụ trách và Phòng DS-KHHGĐ chịu trách nhiệm quản lý TTXH. Tuyến huyện, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ trực tiếp phụ trách và cử cán bộ phụ trách công tác này. Tại tuyến xã, 144 Trưởng trạm Y tế cùng với 144 cán bộ chuyên trách dân số xã là người chịu trách nhiệm chính về chương trình TTXH các PTTT; ngoài ra một số nơi cũng giao cộng tác viên dân số tuyên truyền và tiếp thị.

Với mục tiêu từng bước TTXH, tiến tới xã hội hóa PTTT, Chi cục DS-KHHGĐ và các hoạt động truyền thông TTXH được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh thông qua hệ thống báo, đài, truyền thông lồng ghép, truyền thông nhóm nhỏ,... Mặc khác, dù quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nhiệt tình, sáng tạo của đội ngũ thực hiện TTXH các PTTT để hoàn thành kế hoạch đề ra, nhằm chuyển đổi hành vi của người dân từ việc chấp nhận sử dụng PTTT miễn phí sang chi trả khi sử dụng bao cao su và thuốc viên tránh thai nên tỉnh Đồng Tháp đã đạt kết quả khá cao trong việc TTXH các PTTT. Qua đó, từ khi triển khai chương trình đến nay, các đại lý phân phối TTXH các PTTT của tỉnh Đồng Tháp đã tiếp thị được 67.865 vỉ thuốc tránh thai liều thấp và tiếp thị 234.550 bao cao su nhãn hiệu NightHappy cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng. Hiện tỉnh Đồng Tháp đang tích cực thực hiện chương trình TTXH các PTTT để tăng nhanh số người áp dụng các biện pháp tránh thai, góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu, kế hoạch chương trình DS-KHHGĐ đã đề ra.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn