Nhận biết và chăm sóc bệnh nhân bệnh thủy đậu

Cập nhật ngày: 19/05/2014 05:47:57

Những tháng đầu năm nay, tình hình bệnh thủy đậu trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Theo Trung tâm y tế Dự phòng Đồng Tháp, tháng 1 và tháng 2 mỗi tháng có vài chục ca, nhưng đến tháng 3 và tháng 4 mỗi tháng hơn 100 ca, cộng dồn 4 tháng đầu năm là 277 ca, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013. Thông thường, bệnh tăng cao trong vài tháng và sẽ tự lui dần.


Bọng nước nổi trên cơ thể của người mắc bệnh thủy đậu (ảnh internet)

Bệnh lành tính nhưng có thể để lại sẹo

Theo Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, từ ngày 1 - 16/5, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận và điều trị 40 ca mắc bệnh thủy đậu, trong số này có 4 ca phải điều trị nội trú. Những ngày gần đây, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 3 đến 4 trường hợp đến điều trị bệnh thủy đậu. Đây là bệnh lành tính, nhưng bệnh có thể gây biến chứng và để lại sẹo. Bệnh thủy đậu do vi rút thủy đậu gây ra, là bệnh lưu hành phổ biến. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút từ người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi), ho,... làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến là ở trẻ em. Mỗi người chỉ mắc thủy đậu một lần, sau đó không bị bệnh này nữa, tuy nhiên vi rút không bị tiêu diệt, nó ẩn trong các hạch thần kinh, sau này nếu cơ thể suy yếu (nhất là người già), vi rút tung ra tấn công, gây bệnh ZONA.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp cho biết, bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 3 tuần, thông thường từ 14 - 16 ngày từ lúc bị nhiễm vi rút đến lúc phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt, rồi lan ra toàn thân. Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vẩy. Người bị bệnh thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể. Thời kỳ lây truyền từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng, mụn nước có thể để lại sẹo. Bệnh không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, bệnh có thể dẫn đến viêm não nhưng ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Người mắc bệnh thủy đậu sẽ tự khỏi sau khoảng 10 ngày, tuy nhiên vì đặc điểm có nhiều bóng nước nên rất dễ bị bội nhiễm, do vậy cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh gãi làm tăng thêm trầy xước và nhiễm trùng khác. Nếu có biến chứng nhiễm trùng, gây mủ, phải được khám và điều trị kháng sinh.

Tránh lây lan mọi người xung quanh

Tất cả người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu đều có thể mắc bệnh. Thông thường người lớn mắc bệnh nặng hơn trẻ em. Do đó, để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn khuyên người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm, tránh tiếp xúc với người khác, trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh. Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cụ thể như sau: tiêm mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên, tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 là 6 tuần trở đi (không được tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần). Mọi người nên lưu ý không tiêm vắc xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49 tuổi) nên tiêm vắc xin thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn