Nóng với nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập

Cập nhật ngày: 24/12/2013 04:52:21

Đứng trước nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 có thể xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 và A/H10N8 đang xảy ra ở Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa ra chỉ thị đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành tập trung triển khai công tác phòng chống khẩn cấp dịch cúm gia cầm. Điều nguy hiểm hơn, trong khi tình hình dịch bệnh ở các nước lân cận đang diễn biến phức tạp thì tình trạng buôn lậu gia cầm cuối năm đang góp phần làm cho nguy cơ dịch bệnh lây lan.


Phải kiểm soát chặt chẽ nạn nhập lậu gia cầm,
 không để dịch cúm A/H7N9 và H10N8 có nguy cơ bùng phát.

Gia cầm nhập lậu là mối lây lan bệnh dịch rất nguy hiểm

Liên quan đến cúm A/H10N8 gây chết người ở Trung Quốc, trao đổi với phóng viên, ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cho biết, dù ở Việt Nam chưa xuất hiện dịch cúm H7N9 và H10N8 nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh, theo thông lệ, cứ đến dịp giáp Tết là tình hình buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc vào nội địa có chiều hướng gia tăng.

Mới đây nhất, tại vùng biển Quảng Ninh, lực lượng Cảnh sát biển vừa bắt giữ 1 xuồng cao tốc đang vận chuyển 40.000 con gà đưa từ bên kia biên giới về Việt Nam để tiêu thụ... Tại Lạng Sơn, lực lượng chức năng cũng liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển gà lậu, trứng gà lậu không có nguồn gốc, xuất xứ. Tại khu vực phía Nam, thống kê của Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trên toàn địa bàn thành phố mỗi ngày còn khoảng 50 điểm buôn bán gia cầm trái phép ở tất cả các cửa ngõ.

Còn theo Cục Ðiều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan. Tính từ 15/12/2012 - 15/11/2013, lực lượng hải quan trong cả nước đã phát hiện, bắt giữ 75 vụ vi phạm là gia cầm và các sản phẩm của gia cầm. Hàng hóa vi phạm gồm: 173.370 con gia cầm giống; 3.355 con và 31.160kg gia cầm thương phẩm; 29.000 quả trứng gia cầm; 634.533kg chân cánh gà, dạ dày lợn, cừu đông lạnh...


Lực lượng chức năng bắt vụ buôn bán gia cầm nhập lậu ở Quảng Ninh.

Kiểm tra phòng, chống dịch ở các địa bàn có nguy cơ cao

Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra rải rác ở các tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh là 123.363 con; tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy là 141.687 con. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm còn xảy ra trên chim trĩ và chim cút thuộc tỉnh Tiền Giang và chim yến thuộc tỉnh Ninh Thuận. Mặt khác, trong thời gian tới, các tỉnh phía Bắc sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm nên nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể xảy ra trên diện rộng là rất cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm A/H7N9 trên người đã xảy ra ở 12 tỉnh tại Trung Quốc làm 140 người mắc bệnh và đã gây tử vong 47 người. Tại tỉnh Giang Tây có 1 trường hợp mắc bệnh cúm A/H10N8 và đã tử vong vào ngày 6/12/2013, loại virut cúm này tìm thấy trên các loài chim hoang dã, đã biến đổi và lây sang người. Vì vậy, để ngăn ngừa dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành tập trung triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó cần thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn, ấp và tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời, không để dịch lây lan; khi có dịch xảy ra, phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm nhiễm bệnh. Các địa phương, các tỉnh biên giới tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật.

Mạnh Hà(SK&ĐS)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn