Rối loạn tiêu hóa, nguyên nhân gì?

Cập nhật ngày: 25/11/2012 14:22:54

Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ rất chung dùng để chỉ một nhóm các triệu chứng như đau bụng, nôn, tiêu chảy cấp, thường được qui cho nguyên nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và cho… kháng sinh mặc dù trong nhiều trường hợp, rối loạn tiêu hóa không liên quan gì đến nhiễm khuẩn

Câu hỏi đầu tiên - Nhiễm khuẩn hay không?

Trước bất cứ một trường hợp rối loạn tiêu hóa (RLTH) nào, câu hỏi được đặt ra đầu tiên là bệnh nhân có nhiễm khuẩn hay không? Các yếu tố gợi ý có nhiễm khuẩn bao gồm: bệnh nhân có sốt, môi khô, lưỡi bẩn; có thời gian ủ bệnh (là thời gian nhân lên của vi khuẩn đủ số lượng để gây bệnh kể từ lúc vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể) và đặc điểm của triệu chứng, ví dụ như sau ăn dưới 4h đã xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy dữ dội, nôn nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt,… Các dấu hiệu này chứng tỏ có nhiễm ngoại độc tố của Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).


Vi khuẩn tụ cầu vàng gây RLTH.

Đây là loại vi khuẩn sinh sôi phát triển nhanh trong thức ăn ôi thiu, có độc tính cao và gây triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng; triệu chứng xuất hiện sau ăn dưới 8h kèm liệt các dây thần kinh sọ như liệt mặt, liệt hầu họng... là dấu hiệu của nhiễm độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum, loại vi khuẩn có khả năng sinh nha bào (vỏ cứng), sống trong thịt cất giữ lâu như thịt hộp, thịt trong tủ lạnh, độc tố có tác dụng trên các tế bào thần kinh gây liệt; Nếu thời gian ủ bệnh trên 12h, có sốt cao, đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài nhầy máu mũi, có thể nhiễm lỵ trực khuẩn (Shigella dysenteriae), lỵ amip (Amoeba) hoặc nhiễm vi khuẩn E. coli, mạch nhiệt độ phân li (sốt cao nhưng mạch không nhanh); Bệnh thương hàn (Salmonella); Đi ngoài phân đục như nước vo gạo, không sốt có thể nhiễm phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) hoặc nhiễm E. coli thể tả,…

Khi đã nghi ngờ RLTH do nhiễm khuẩn, cần làm thêm các xét nghiệm như công thức máu, CRP, procalcitonin, cấy máu, cấy hoặc soi tươi phân tìm hồng cầu, bạch cầu và vi khuẩn gây bệnh.

Nếu có các bằng chứng chắc chắn RLTH do nhiễm khuẩn, ngoài việc bù nước, điện giải theo phác đồ, kháng sinh chắc chắn phải được sử dụng để diệt vi khuẩn. Tùy từng trường hợp, các kháng sinh thường được dùng là Biseptol, amoxicillin, kháng sinh nhóm Quilonone, Aminoglycoside, Metronidazole…


Nhộng tằm là thực phẩm dễ gây dị ứng.

Xác định các nguyên nhân khác…

Khi đã sơ bộ xác định được bệnh nhân bị RLTH không do nhiễm khuẩn, phải tìm các nguyên nhân gây bệnh khác. Dị ứng thức ăn là nhóm nguyên nhân gây RLTH hay gặp trên thực tế và thường các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi ăn. Các protein “lạ” trong thực phẩm có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng cũng như nồng độ histamin cao là nguyên nhân gây triệu chứng RLTH. Các loại thực phẩm hay gây dị ứng là sữa, trứng, sữa chua, cá, nhóm giáp xác (cua, tôm, mực, sò…), nhộng tằm, nhộng ong, ba ba, lươn, trạch, lúa mì, lạc, đỗ,… Cá biệt, có một số trường hợp bị dị ứng thức ăn kiểu sốc phản vệ (mạch nhanh, huyết áp tụt, co thắt thanh môn…) khi ăn thực phẩm biển hoặc ăn dứa (dứa hay có loại nấm là Candida tropicalis gây dị ứng rất mạnh).

Khi xác định là bệnh nhân bị RLTH do dị ứng thức ăn, việc đầu tiên là loại bỏ ngay tác nhân gây dị ứng bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày nếu như bệnh nhân mới ăn trong vòng 6 giờ và tùy mức độ nặng nhẹ của triệu chứng. Sau đó một số thuốc sẽ được dùng để xử trí cho bệnh nhân như các thuốc kháng histamin, corticoide và trong trường hợp sốc phản vệ phải dùng ngay adrenalin.

Một nguyên nhân hàng đầu hay gặp ở nước ta hiện nay đó là RLTH do ngộ độc các hóa chất bảo vệ thực vật có trong rau quả. Nước ta là một nước nông nghiệp với diện tích trồng lúa, hoa màu rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc phải sử dụng thường xuyên các loại hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) (trừ sâu, diệt cỏ, nấm mốc, ký sinh trùng…), các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Tất cả các loại hóa chất này đều có thể gây ngộ độc nếu hàm lượng trong rau quả vượt quá mức cho phép.


Hóa chất tồn dư trong rau quả cũng là nguyên nhân gây RLTH

Các hóa chất bảo vệ thực vật hiện nay có một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid,và một số chất khác như aldicarb, camphechlor, thuốc diệt cỏ… Nếu bị ngộ độc, ngay sau khi ăn hiện tượng RLTH đã xảy ra và kèm với các triệu chứng của nhiễm độc chất (ví dụ như da tái lạnh, đồng tử co nhỏ, mạch chậm, tăng tiết đờm rãi, co thắt phế quản của ngộ độc phospho hữu cơ…). Khi thăm khám bệnh nhân, thầy thuốc phải hết sức lưu ý khai thác tiền sử (bữa ăn có nhiều rau quả) và thăm khám tìm triệu chứng ngộ độc. Các trường hợp ngộ độc này, khi vào viện sẽ được xác định rõ loại độc chất và mức độ nặng nhẹ để cho các thuốc giải độc kịp thời cho bệnh nhân.

Một nguyên nhân gây RLTH nữa là do các chất độc có trong thức ăn. Thức ăn động vật như ngộ độc cóc do bufotoxins, ngộ độc cá nóc do tetrodotoxin… Thức ăn thực vật như ngộ độc củ ấu tầu do aconitin, ngộ độc sắn do acide cyanhydric… Các triệu chứng ngộ độc các chất này biểu hiện bằng loạn nhịp tim, tím, tụt huyết áp kèm RLTH như đã mô tả ở trên. Bệnh nhân khi bị ngộ độc loại nào sẽ được điều trị đặc hiệu cho từng loại độc chất.

Các chất phụ gia trong thực phẩm nhiều khi cũng trở thành “độc chất” nếu nồng độ vượt quá mức cho phép. Tương tự như vậy đối với các chất tạo màu cho thực phẩm “bắt mắt” hơn cũng là thủ phạm gây RLTH đối với nhiều người tiêu dùng.

… để đưa ra phương pháp điều trị đúng

Như vậy, RLTH hoàn toàn không phải là câu chuyện đơn giản và trường hợp nào cũng dùng kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy. Tùy từng trường hợp, các nguyên nhân gây RLTH phải được xem xét kỹ càng trước khi thầy thuốc ra quyết định điều trị.

Theo SKDS

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn