Trẻ nhập viện tăng cao do thời tiết nắng nóng

Cập nhật ngày: 11/03/2013 05:10:34

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh, thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài khiến nhiều trẻ nhập viện, phần lớn trẻ mắc các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.

Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp - hiện có rất đông trẻ điều trị nội trú. Nhiều bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật. Hầu hết trẻ nhập viện có triệu chứng nhiễm siêu vi do thời tiết nắng nóng dẫn đến mắc các bệnh như: cảm cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B, viêm màng não ở trẻ em, sốt phát ban,... Cô Nguyễn Thị Kim Phượng ngụ ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh đang nuôi cháu bị bệnh cho biết, cháu cô được 3 tháng tuổi vừa tiêm ngừa lại bị sốt cao, phải nhập viện điều trị.


Trẻ bị sốt cao do nắng nóng đang được điều trị tại Bệnh viện
Đa khoa Đồng Tháp

5 tháng đầu năm 2012, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp chỉ tiếp nhận 132 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp điều trị nội trú, nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, tổng số tiêu chảy cấp đã lên đến 180 ca. Cao nhất là số trẻ nhiễm khuẩn hô hấp, chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 3.500 trẻ điều trị nội ngoại trú mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp (viêm mũi họng, viêm mũi,...) Các bé chủ yếu điều trị từ 3 đến 5 ngày thì xuất viện.

Theo bác sĩ Đoàn Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, nôn ói,... Hiện có rất nhiều chủng siêu vi được phân lập, nhưng hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, nếu được theo dõi và chăm sóc tốt, trẻ sẽ khỏe lại từ 3 đến 6 ngày. Có trường hợp bé sốt cao nhưng phụ huynh không biết cách điều trị sẽ dẫn đến bé bị co giật toàn thân, co giật xảy ra trong vài giây hoặc lặp đi lặp lại từ 1 đến 2 lần dẫn đến bé bị sùi bọt mép.

Các bà mẹ khi phát hiện bé bị co giật, sùi bọt mép thì không nên đút tay vào mở miệng bé mà phải sử dụng cây đè lưỡi bằng gỗ, không được chữa theo dân gian là đưa nước vắt từ cây sả hoặc nước chanh vào miệng bé trong cơn co giật, làm như vậy trẻ dễ bị sặc dẫn đến ngưng thở.

Bác sĩ Thủy cũng lưu ý, có thể điều trị trẻ nhiễm siêu vi bằng cách hạ sốt. Khi bé sốt cao từ 39 - 40 độ thì phụ huynh cần phải hạ sốt ngay cho bé bằng thuốc uống hạ sốt là paracetamol - liều lượng tùy theo chỉ định của bác sĩ. Nếu ở nhà thì bà mẹ phải lau ấm cho bé bằng cách dùng 4 chiếc khăn nhúng vô nước ấm (nước nóng pha với nước lạnh), sau đó vắt khô kẹp vô nách và bẹng bé để tỏa nhiệt hạ sốt, đồng thời mặc áo mỏng để bé thoáng mát, cho bé uống nước nhiều (có thể là nước rau quả, trái cây), ăn thức ăn lỏng, không kiêng cử quá mức, môi trường xung quanh nhà phải phát quang bụi rậm cho mát mẻ.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn