Lai Vung

Định hướng phát triển du lịch kết hợp các sản phẩm làng nghề và sản phẩm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 19/01/2015 13:27:32

Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ với những vườn cây ăn trái xum xuê, nơi tập trung các làng nghề truyền thống, huyện Lai Vung đã định hướng giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tập trung triển khai kế hoạch phát triển du lịch kết hợp các sản phẩm làng nghề và sản phẩm nông nghiệp với mục tiêu từng bước đưa lĩnh vực du lịch trở thành một trong những ngành dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho địa phương.


Làng nghề truyền thống ở Hòa Long sản xuất các sản phẩm lờ, lọp thu nhỏ

Theo ông Lê Văn Nhặn - Phó trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lai Vung, dựa vào đặc trưng văn hóa - xã hội của địa phương, huyện sẽ xây dựng tuyến du lịch với các điểm đến: Vườn quýt hồng - Làng đóng ghe, xuồng - Làng làm nem. Trong tuyến du lịch này, du khách sẽ được thưởng thức trái cây, đặc sản vùng sông nước Lai Vung, đờn ca tài tử (di sản văn hóa phi vật thể đã được Unesco công nhận),...

Theo Phòng Văn hóa, Thông tin huyện, UBND huyện đã có hướng dẫn và chỉ đạo cho các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng, Hội Nông dân các xã, thị trấn bước đầu tiến hành khảo sát chọn các nhà vườn trồng quýt hồng, quýt đường, bưởi, thanh long lân cận nhau ở các xã Tân Thành, Tân Phước, Long Hậu, Vĩnh Thới, Phong Hòa,... phối hợp với các đoàn thể vận động các hộ liên kết nhau thành lập khu du lịch sinh thái vườn để phục vụ khách tham quan. Sau khi vận động, xác định được khu liên kết sẽ đề nghị UBND huyện cho chủ trương thuê công ty tư vấn phát triển du lịch cho địa phương và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời cho các nhà vườn sang học tập kinh nghiệm mô hình du lịch này ở các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang,...

Huyện cũng đang xây dựng dự án đầu tư, hỗ trợ cho những hộ thuộc các làng nghề: đan lờ lọp ở xã Hòa Long, Vĩnh Thới; nghề đan cần xé ở xã Tân Thành; nghề đóng xuồng, ghe ở xã Long Hậu; nghề làm nem ở thị trấn lai Vung,... phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương theo hình thức mô hình thu nhỏ để bán cho khách du lịch, quảng bá làng nghề truyền thống của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, huyện sẽ tranh thủ nguồn ngân sách huyện, tỉnh từng bước tu bổ, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử - văn hóa của huyện đã được công nhận cấp tỉnh và quốc gia phục vụ khách đến tham quan.

Theo ông Nhặn, triển khai tốt được kế hoạch này, chẳng những quảng bá được hình ảnh du lịch mà còn nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc sản của Lai Vung, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, triển khai thực hiện, huyện gặp không ít khó khăn do kinh phí hạn chế trong việc chọn khu liên kết và nhất là công tác vận động các nhà vườn tham gia liên kết. Bởi nhiều nhà vườn lo ngại khi công tác quản lý khách tham quan không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức sống và năng suất của cây mà đặc biệt là cây quýt hồng, rất khó chăm sóc... Vì vậy, huyện mong sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của tỉnh.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn