Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Cập nhật ngày: 14/08/2015 12:04:01

Ngày 12/8, đại diện Công ty Coca-cola và Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam  đã tổ chức đoàn đến tham quan và tìm hiểu kết quả Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” tại Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim.


Tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim

Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” tại VQG Tràm Chim do UBND tỉnh, Ban Quản lý VQG Tràm Chim, WWF và Công ty Coca-cola phối hợp triển khai từ năm 2007 - 2014, với tổng vốn đầu tư gần 1,2 triệu USD, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sống quanh khu vực Vườn thông qua việc phát triển du lịch sinh thái, khai thác tài nguyên rừng một cách bền vững.

Bằng những nỗ lực triển khai dự án tại VQG Tràm Chim nhiều năm qua, việc quản lý thủy văn được cải thiện, mực nước được điều chỉnh, các loài thủy sinh, thủy sản phát triển, thảm thực vật được phục hồi,... góp phần  duy trì môi trường đất ngập nước, bảo tồn các loài chim quý hiếm, đặc biệt là sếu đầu đỏ - loài chim sắp tuyệt chủng nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Dự án đã hỗ trợ nâng cấp, cải thiện một phần cơ sở hạ tầng, mở ra nhiều tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là du lịch mùa nước nổi, góp phần làm tăng lượng khách đến tham quan. Trong năm 2014, có 60.000 lượt khách đến tham quan VQG Tràm Chim, tăng gấp 4 lần so với năm 2013.

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống quanh Vườn thông qua các hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tăng cường sự tham gia của người dân trong việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Qua dự án, trên 200 hộ dân sinh sống quanh vùng được tập huấn, tham gia vào các hoạt động phục vụ khách đến tham quan như: chèo xuồng, gặt lúa ma, kể chuyện, nấu cơm, bắt chuột đồng,... trung bình mỗi hộ dân có thêm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, các hộ khó khăn còn được hỗ trợ ngư cụ và xuồng để tham gia khai thác thủy sản vào mùa lũ.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn