Doanh nhân, doanh nghiệp tạo nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân

Cập nhật ngày: 06/10/2022 05:59:18

ĐTO - Qua triển khai thực hiện Chương trình hành động số 45 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 10 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (viết tắt Chương trình hành động số 45), kinh tế tư nhân của tỉnh tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, nhất là thực hiện đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu quan trọng mà Chương trình hành động số 45 đề ra.


Doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu gạo - một trong những thế mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện Lấp Vò

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 45 cho thấy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân đã có chuyển biến tích cực. Nhất là xác định rõ mục tiêu xây dựng kinh tế tư nhân lớn mạnh để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh bền vững kinh tế tỉnh, là một trong những động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và loại bỏ những rào cản, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, góp phần phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tỉnh đã nỗ lực xây dựng các mô hình và việc làm thiết thực như: “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”, “Điểm hẹn doanh nhân”; “Ngày thứ Sáu nghe dân nói”... với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng Tháp đã phát động chương trình khởi nghiệp hướng đến xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, đưa Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”. Chương trình khởi nghiệp đã lan tỏa trong cộng đồng, nhiều dòng sản phẩm mới ra đời tận dụng, phát huy nguồn tài nguyên bản địa, hướng đến đổi mới, sáng tạo góp phần vào tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh của địa phương. Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thật sự lan tỏa và mang đến nhiều hướng đi mới cho các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn, khai thác lợi thế gần 40 làng nghề, sản xuất theo hướng đa dạng sản phẩm, cùng chiến lược khơi dậy tinh thần lập nghiệp trong thế hệ thanh niên, tạo nguồn lực cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 2.600 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 12.840 tỷ đồng. Riêng năm 2021, toàn tỉnh có 490 doanh nghiệp thành lập, vốn đầu tư là 4.248 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hơn 4.200 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 40.000 tỷ đồng. Trên cơ sở báo cáo tình hình thu, chi ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, nguồn thu từ khu vực tập thể, tư nhân, cá thể có tiềm năng rất lớn. Cụ thể, thu ngân sách từ khu vực kinh tế tập thể, tư nhân, cá thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 16.194 tỷ đồng, (tăng 112,61% so với giai đoạn trước). Riêng năm 2021 là 4.015 tỷ đồng (tăng gần 107%) so với năm 2020 là do sản xuất, kinh doanh ở khu vực ngoài quốc doanh luôn sôi động, ngày càng tăng về đối tượng nộp thuế, quy mô sản xuất thường xuyên mở rộng. Đây là một trong những yếu tố đã làm cho số thu ở khu vực này tăng đều qua các năm, ngoài ra tổng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, tỉnh Đồng Tháp chú trọng công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp, đặt biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, các cấp, ngành xác định việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ, tiếp cận tín dụng... là các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua tương đối đầy đủ, phù hợp với tiềm lực của tỉnh, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn