Quản lý dạy thêm học thêm

Cần mở nhiều kênh thông tin ghi nhận ý kiến đóng góp

Cập nhật ngày: 02/12/2013 04:35:15

Dạy thêm học thêm (DTHT) đang từng bước đi vào nề nếp nhưng để quản lý tốt hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nhiều giải pháp như: thanh tra, kiểm tra, thẩm định, cấp phép hoạt động; mở ra kênh thông tin tiếp nhận ý kiến đóng góp của giáo viên, phụ huynh học sinh. Sau 1 năm thực hiện, một số quy định về DTHT đang được điều chỉnh.

Công tác thanh tra, quản lý DTHT được Thanh tra Sở GDĐT thực hiện theo thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT và Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngoài ra Sở GDĐT ban hành văn bản cụ thể các nội dung, hướng dẫn thực hiện DTHT theo quy định. Sở GDĐT chỉ đạo thực hiện thanh tra định kỳ 3 lần/năm học, thời gian thanh tra váo các tháng 11, 3, 7 vì trong những mốc thời gian trên rất dễ phát sinh các vấn đề liên quan đến DTHT.

Năm học 2012-2013, Thanh tra Sở GDĐT đã thực hiện 3 đợt thanh tra tại 12 Phòng GDĐT, 39 trường THPT. Qua đó, đoàn đã phát hiện vi phạm với các lỗi: việc quản lý của hiệu trưởng, giáo viên giảng dạy trước chương trình, giáo viên chưa ghi thông tin tại sổ theo dõi học sinh, không soạn giáo án phù hợp. Thanh tra Sở đã nhắc nhở, phê bình trực tiếp lãnh đạo, giáo viên tham gia DTHT. Phòng Giáo dục, hiệu trưởng các trường cũng thường xuyên nhắc nhở giáo viên các cấp có tổ chức DTHT; Sở GDĐT thành lập đoàn kiểm tra đột xuất, thẩm định, cấp phép cho cơ sở tham gia loại hình này. Do có sự quản lý chặt nên thời gian qua một số điểm trường THPT, THCS đã khuyến khích giáo viên mở lớp DTHT trong trường bằng hình thức dạy tăng tiết. Cách làm này tiết kiệm chi phí cho giáo viên, học sinh, thuận tiện hơn cho đơn vị quản lý. Nhưng một số nơi cơ sở vật chất còn hạn chế, nên giáo viên đầu tư cơ sở vật chất theo quy định của ngành và DTHT tại nhà.

Sau thanh tra, kiểm tra các đơn vị, Thanh tra Sở đã ghi nhận ý kiến phản hồi, đóng góp từ giáo viên, phụ huynh học sinh về các quy định DTHT thông qua Website của Sở GDĐT, phát phiếu trực tiếp tại các đơn vị. Qua đó, Thanh tra Sở nhận 14.074 ý kiến đóng góp, trong đó có 10.733 ý kiến đồng ý, còn lại không đồng ý.

Sở GDĐT đã làm văn bản trình UBND tỉnh 2 nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, trong đó làm rõ hơn khái niệm dạy gia sư (dạy theo yêu cầu của gia đình học sinh, do phụ huynh học sinh mời về nhà dạy tối đa 3 học sinh, không phải loại hình DTHT, nhưng không dạy trước nội dung bài học mới theo phân phối chương trình) và đối tượng giáo viên được tổ chức DTHT(giáo viên THPT muốn dạy thêm phải được xếp loại công chức hàng năm, đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đạt các thành tích, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; giáo viên bồi dưỡng học sinh đạt giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia, giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh đạt giải học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh). Văn bản trên, nếu được UBND tỉnh chấp thuận sẽ mở ra cơ hội cho giáo viên tham gia DTHT, nhất là giáo viên cấp THPT.

Làm sao để đưa công tác quản lý DTHT đi vào nề nếp, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ vấn đề này là câu hỏi đặt ra cho ngành GDĐT trong hiện tại, tương lai. Ngoài những kênh thông tin từ các đơn vị trực thuộc ngành, Sở nên duy trì, thiết lập thêm nhiều kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, đóng góp từ phía học sinh, phụ huynh về những hình thức biến tướng của DTHT để công tác quản lý hoạt động DTHT ngày càng tốt hơn.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn