Cô Nguyễn Thị Hồng luôn tâm huyết với học sinh Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 25/10/2022 05:30:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20221025053137dt3-7.mp3

 

ĐTO - Lớn lên trên vùng đất Cố đô Huế thơ mộng, trữ tình nhưng do có duyên với đất Đồng Tháp nên cô Nguyễn Thị Hồng đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để lập nghiệp, gắn bó với công tác giáo dục từ năm 1997 tại Trường THPT Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh). Đi cùng chặng đường gần 25 năm phấn đấu, nỗ lực, cô giáo Nguyễn Thị Hồng - giảng dạy bộ môn Ngữ văn, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Trần Quốc Toản đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, vươn lên mạnh mẽ.


Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên môn Ngữ văn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Trần Quốc Toản (thứ hai, từ trái sang) tham gia tọa đàm tại Lễ Biểu dương cán bộ Công đoàn tiêu biểu năm 2022

Đam mê nghề nghiệp, năng động và sáng tạo

Vốn là một học sinh chuyên Văn Trường Quốc Học Huế, niên khóa 1989 - 1992, sinh viên khoa Văn - Đại học sư phạm Huế, tốt nghiệp năm 1996, cô Nguyễn Thị Hồng đã đem tình yêu Văn học đến với các em học sinh miền sông nước Cửu Long, giúp các em có niềm hăng say, yêu thích văn chương, yêu quý cuộc sống, có ý thức chăm chỉ học tập, xem “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Bên cạnh những giờ lên lớp đầy hào hứng bởi giọng ngâm thơ ngọt ngào, ca hát, đóng hoạt cảnh minh họa, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, năm học nào, cô Hồng cũng đề ra phương hướng phấn đấu cùng Tổ Ngữ văn của trường tổ chức thực hiện các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa nhằm tạo sân chơi vui tươi, bổ ích, thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Những đề tài, chủ đề như: “Hình tượng Bác Hồ trong thơ ca”, “Đất nước tôi”, “Hình tượng dòng sông, biển cả trong những trang thơ văn”, “Người mẹ của tôi”, “Ngọt ngào câu hát dân ca”, “Sen hồng tỏa sắc”... Hay những chuyến đi dã ngoại của cô Hồng cùng học sinh Trường THPT Trần quốc Toản thăm những di tích lịch sử, sưu tầm điệu hò Đồng Tháp đã thắp lên ngọn lửa đam mê khám phá vẻ đẹp văn chương trong tâm hồn học trò nơi quê hương miệt vườn trù phú.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng kể rằng: “Ngày tôi mới chuyển công tác vào đây, Trường THPT Trần Quốc Toản mới bắt đầu thành lập. Đó là ngôi trường hoàn toàn được làm bằng tranh tre, nứa lá, sân trường đầy bùn đất, đúng với câu “Nắng bụi, mưa bùn”. Biết tôi là người xa xứ, đồng nghiệp luôn tạo điều kiện giúp đỡ để tôi hòa nhập, tham gia công tác tốt. Tôi đã thấy quen và yêu thương đến lạ những gương mặt lấm lem, nhễ nhại mồ hôi của các cô, cậu học trò vùng lũ. Tôi cũng không còn khóc nhớ nhà, nhớ quê nữa vì chính các em đã cho tôi tình cảm chân chất, mộc mạc, thắm đượm nghĩa tình. Tôi cũng nhận được sự quý trọng của các bậc cha mẹ học sinh, của bà con thôn xóm. Tất cả đã cho tôi có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Thế nên, tôi phải càng phấn đấu giảng dạy tốt hơn nữa để không phụ lòng tin yêu...”.

Gặt hái nhiều thành tích từ các cuộc thi

Trong chặng đường phấn đấu gần 25 năm qua, cô giáo Hồng đã tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn và năm nào cũng có nhiều học sinh đạt giải thưởng từ giải Nhì đến Khuyến khích. Điều đáng nói là các lớp 12 cô dạy đều có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia tăng cao. Về phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, cô Hồng đã tham gia làm nhiều thiết bị dạy học và dự thi đạt giải cấp tỉnh như: mô hình quay phim minh họa tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (đạt giải B); “Cây văn học” (đạt giải B); “Ô chữ bí mật” (đạt giải C)... Còn nhớ, trong 3 năm học, từ năm 2014-2017, cô Hồng đạt 3 giải cấp tỉnh (3 giải Nhì) và đạt 2 giải cấp Quốc gia (1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích) trong cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên”. Đây là cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động nhằm giúp giáo viên, học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia theo tổ hợp các môn tự nhiên, xã hội. Những chủ đề tích hợp mà cô Hồng đã tham gia xây dựng đó là “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tác phẩm Rừng xà nu”, “Địa danh Tây Bắc và những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến”, “Vẻ đẹp sông Đà, sông Hương và việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đất nước”...

Đối với cuộc thi hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn, cô Hồng đã miệt mài cùng 2 em học sinh: Cao Xuân Thảo và Trương Thị Yến Nhi của lớp 12 CB8 nghiên cứu về “Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”. Đề tài này đã được trao giải Nhì cấp Quốc gia năm học 2016 - 2017. Bằng lòng nhiệt huyết, sự đổi mới phương pháp trong dạy và học, cô Hồng đã không ngừng sáng tạo trong các cuộc thi. Trong những năm qua, cô Hồng đã tận tình hướng dẫn nhiều học sinh tham dự cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật”. Nghiên cứu về khoa học xã hội hành vi là một lĩnh vực rất khó, đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức nhưng nhiều đề tài nghiên cứu về tâm lý nhận thức của đối tượng học sinh đã được cô hướng dẫn thành công. Trong đó, đề tài có giá trị nhất chính là nghiên cứu về “Tình cảm của học sinh THPT với biểu tượng Sen hồng Đồng Tháp” đã đạt giải Nhì cấp tỉnh và được dự thi cấp Quốc gia. Sống trên quê hương Đất Sen hồng, nơi có bạt ngàn đầm sen, nơi sen đã hiện hữu trong đời sống sinh hoạt, trở thành máu thịt, biểu tượng thanh cao trong tâm hồn người dân Đồng Tháp thì điều mà cô Hồng và các em học sinh nghiên cứu rất có ý nghĩa, góp phần tôn vinh, thể hiện niềm tự hào về miền quê thanh bình, thơ mộng.

Cô Nguyễn Thị Hồng tâm sự: “Tôi rất quý trọng nghề giáo và yêu thương các em học sinh, yêu cả những đầm sen bát ngát. Tôi luôn hy vọng và tin tưởng các em học sinh của Đất Sen hồng sẽ làm rạng danh quê hương thành đồng Tổ quốc. Những thành tích mà tôi gặt hái được là nhờ vào sự động viên, khích lệ của đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh. Cuộc sống sẽ thêm phần ý nghĩa nếu mỗi chúng ta đều nêu cao tinh thần học hỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo”.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn