Giảm áp lực cho học sinh

Cập nhật ngày: 21/04/2014 04:52:15

Hiện nay, học sinh (HS) đối mặt với áp lực học tập cả ngày, cả tuần, không có thời gian vui chơi giải trí hay tham gia các hoạt động thể thao, năng khiếu ngoài giờ là một thực trạng đáng lo.

Em Trung - HS lớp 6 Trường THCS Kim Hồng cho biết: “Mỗi tuần em đều đến trường từ thứ 2 đến chủ nhật. Học chính khóa vào thứ 2,3,4,5,6, và học thêm vào buổi chiều thứ 3, hay học ngoại khóa vào ngày thứ 5, có khi học thêm các môn học. Còn thứ 7 học thêm buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ, ngày chủ nhật học thêm từ 8 giờ đến 10 giờ 30 phút, chiều học từ 6 giờ đến 7 giờ 30 phút, thời gian còn lại dành để học bài cho ngày thứ 2, cả tuần em không có thời gian rãnh. Ngoài giờ học em không tham gia thể thao, vui chơi tập thể, chỉ ở nhà”. Em Thanh Ngân - HS lớp 7A, Trường THCS Kim Hồng cũng cho biết “Có 5/6 ngày trong tuần em đi học thêm, ngày chủ nhật học thêm từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối. Nhà nội cách nhà em chưa đến 10km nhưng cả tháng mới về một lần vì bận học”.


Các em học sinh hiện nay dành quá nhiều thời gian cho việc học tập

Chương trình học ở lớp đã nặng, nhưng sợ con học yếu, một số phụ huynh khuyến khích con em đi học thêm. Hiện nay, đa số HS có học thêm, học phụ đạo, học kèm với mong muốn không bị hổng kiến thức, theo kịp chương trình. Chi phí học tập, khá tốn kém. Tùy theo mỗi cấp học, chi phí cho một HS không dưới 1 triệu đồng/tháng (gồm các khoản tiền học thêm từ 200 ngàn - 300 ngàn đồng/tháng/mỗi môn học, tiền trường, chi phí ăn uống, tập sách, tiền cho các em dằn túi mỗi ngày). Ngoài việc dạy thêm học thêm, còn xuất hiện một dịch vụ mới là dịch vụ dò bài rất được phụ huynh ưa chuộng. Với chi phí mỗi tháng từ 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng, cứ đến giờ dò bài, các HS lại mang tập, sách đến nhà cô giáo, thầy giáo để được dò bài học cho ngày hôm sau.

Ông Trần Ngọc Tốt - Trưởng Ban Đại diện phụ huynh HS Trường Nguyễn Tú, TP.Cao Lãnh băn khoăn: “Cha mẹ và nhà trường tính sao chứ tôi thấy HS bây giờ học nhiều quá, học cả ngày, về nhà ăn uống chút rồi đi học tiếp, có đứa không biết ngủ trưa, nghỉ ngơi là gì, có khi cả ngày ở trường, lớp nhiều hơn ở nhà. Cần phải xem lại, hồi xưa không có học thêm dạy thêm, chủ yếu là tự học, học bạn bè, giờ thì không thấy như vậy nữa, cha mẹ không có thời gian dạy dỗ con, lo đi làm, con cái phó mặc cho thầy cô, điều này rất đáng lo...”.

Áp lực học tập đối với HS càng rõ hơn khi phụ huynh đặc biệt quan tâm đến thành tích của các em ở mỗi cấp học. Dù Sở Giáo dục và Đào tạo cấm các trường mẫu giáo dạy chữ trước cho HS, nhưng một số phụ huynh vẫn tìm cách để cho con em tiếp cận với chữ viết, chữ số trước khi bước vào lớp một, vì sợ các em khi vào học sẽ biết chữ, biết số chậm hơn những bạn khác.

Hiện nay, việc giảm quá tải đối với HS được các trường áp dụng như chương trình chính khóa buổi sáng, chiều tập trung cho các em giải bài tập, sinh hoạt vui chơi. Bài vở được giải quyết tại lớp không mang về nhà; tập vở nặng được để lại lớp, hạn chế tình trạng mang vác nặng cho các em. Đối với cấp trung học phổ thông, việc tăng tiết được thực hiện ngay từ đầu năm học, thay vì tập trung vào những tháng cuối khi các kỳ thi bắt đầu.

Để giải quyết vấn đề quá tải, áp lực đối với việc học tập của HS hiện nay, ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Sở đang thực hiện lộ trình giảm tải trong các cấp học bởi chương trình học hiện nay là quá nặng, chiếm nhiều thời gian của các em. Đối với cấp tiểu học, không cần phải cho bài tập về nhà, các em thực hiện giải bài tập tại lớp trong 1 ngày. Ngoài giờ học, các em cần được vui chơi, giải trí, tham gia các môn năng khiếu để giảm bớt các áp lực...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn