Thực trạng và giải pháp cho học sinh bỏ học, nghỉ học

Cập nhật ngày: 19/03/2014 02:28:37

Kỳ I năm học 2013- 2014, toàn tỉnh có 89 học sinh (HS) cấp tiểu học, 660 HS THCS, 447 HS THPT bỏ học. So với năm học trước, số lượng học sinh bỏ học giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?

HS tiểu học bỏ học thường tập trung vào những nguyên nhân: gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn phải sống nhờ họ hàng, bà con, không người chu cấp dẫn đến bỏ học, nghỉ học; cha mẹ đi làm ăn xa gửi con lại cho ông bà nội (ngoại) nuôi dưỡng, thiếu sự chăm sóc, động viên nên các em không thiết tha với việc học. HS THCS, THPT nghỉ học, bỏ học, vì ở tuổi này các em đã có thể phụ giúp gia đình kiếm tiền.

Em Nguyễn Thị T. ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, cha làm thuê, mẹ làm công nhân. Do gia đình gặp khó khăn đột xuất, nên mẹ em quyết định cho em nghỉ học để phụ bán cà phê với thu nhập mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Người em khác của T. cha mẹ cũng dự định cho nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Em T. chia sẻ: “Cô giáo có đến nhà vận động đi học, khi cô đến thì mẹ, ba hứa cho em đi học, nhưng cô về thì ba mẹ, quyết định nhà khó khăn nên em phải nghỉ học, tìm việc làm phụ giúp gia đình...”.

Bên cạnh những khó khăn về hoàn cảnh, học lực yếu, mất căn bản từ những cấp lớp dưới cũng làm một số em không theo kịp bạn bè trong lớp; số khác chểnh mảng việc học và có ý định chuyển sang học nghề, nên quyết định nghỉ học, bỏ học để tìm cơ hội học nghề, đi làm thêm.

Đứng trước thực trạng HS bỏ học, nghỉ học, giải pháp mà ngành giáo dục đưa ra cho tất cả các trường là cải tiến nội dung, chất lượng giảng dạy, tăng tiết bồi dưỡng học sinh yếu kém vào buổi chiều. Giáo viên chủ nhiệm trực tiếp đến nhà các em hỏi thăm và vận động các em ra lớp. Nếu các em không ra lớp sẽ nhờ đến hội đoàn thể địa phương đến động viên gia đình, hỗ trợ giúp đỡ các em. Với những giải pháp trên, trong năm 2012-2013, ngành giáo dục đã giảm tỷ lệ HS bỏ học cấp tiểu học 0,06%, THCS 0,04%, THPT 0,01%, so với năm học trước.

Nhưng theo ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì: “Tỷ lệ có giảm, nhưng chưa nhiều, vì vậy ngành phải có nhiều giải pháp hơn nữa. Để công tác này tốt hơn, cần có nhiều hơn sự hỗ trợ từ phía các hội đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác vận động HS ra lớp, vận động HS nghỉ học trở lại lớp, hỗ trợ gia đình HS hưởng các chế độ chính sách cần thiết, giúp các em yên tâm học tập...”.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát lại số lượng HS bỏ học, nghỉ học để vận động các em theo học các lớp nghề. Danh sách HS bỏ học trong học kỳ I cũng đã được các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề, Trường trung cấp nghề lưu giữ. Đây sẽ là cơ sở để các đơn vị tư vấn HS vào học nghề kết hợp với việc học văn hóa. Đối với HS không muốn vào các lớp nghề, một số đơn vị đã gửi hồ sơ để các em đăng ký học việc tại các công ty tuyển dụng hoặc học nghề phù hợp với mong muốn mà các em chọn lựa.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn