Vài suy nghĩ về việc làm của sinh viên cao đẳng, đại học

Cập nhật ngày: 15/11/2013 06:21:35

Những năm gần đây, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chịu nhiều áp lực khi tìm việc làm. Và áp lực đó cũng đè nặng lên vai của chính quyền qua các kỳ họp HĐND, các hội nghị của Tỉnh ủy, qua nhiều phản ảnh của cử tri và nhân dân. Lãnh đạo tỉnh cũng rất ray rứt về thực trạng này. Đã có lãng phí trong đào tạo và sử dụng nguồn lực đã qua đào tạo, đã có nhiều gia đình tốn kém nhiều chi phí cho con em đi học, sau khi ra trường lại không có việc làm.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan (người thứ 3 từ phải sang)
đối thoại với sinh viên Đại học Đồng Tháp -
Ảnh: ĐHĐT

Nhưng, khi lắng đọng lại, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Hàng năm, chỉ tính riêng trong tỉnh, hàng chục ngàn người tham gia vào thị trường lao động. Tình trạng cung vượt quá cầu về nhân lực đã tồn tại từ lâu. Sự phát triển của ngành nghề và sự phát triển của kỹ thuật sẽ ngày càng “gạt bỏ” và thay thế nhu cầu về nhân lực. Từ đó cho thấy, vấn đề việc làm sẽ tồn tại lâu dài, vấn đề tìm việc làm của sinh viên cao đẳng, đại học ngày càng nổi cộm và xu hướng này sẽ ngày càng nổi cộm hơn.

Chúng ta đang sống trong kinh tế thị trường nên không thể nhìn nhận mọi hoạt động kinh tế, mọi hiện tượng xã hội theo tư duy của nền kinh tế chỉ huy, bao cấp, kế hoạch hóa như trước kia. Trong nền kinh tế kế hoạch, chỉ huy, mọi trách nhiệm xã hội thuộc về nhà nước, hay nói cách khác, nhà nước bao cấp tất cả. Nhà nước nắm giữ nền kinh tế, nhà nước sắp xếp mọi hoạt động của xã hội, phân bổ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực để guồng máy xã hội vận hành theo kế hoạch của nhà nước. Trái lại, trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động đều bị điều chỉnh bởi cung - cầu của thị trường, trong đó có cung - cầu nguồn nhân lực. Có thể một doanh nghiệp hôm qua còn thịnh vượng nhưng ngày mai gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Có thể một loại hàng hóa nào đó hôm nay còn là thời thượng thì ngày mai đã lỗi thời, xuất hiện nhu cầu một loại sản phẩm mới. Có thể một ngành nào đó hôm nay rất cần, rất “hot”, nhưng ngày mai lại trở nên lạc hậu. Như vậy, ngành nghề và nhu cầu ngành nghề cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường, thích nghi với diễn biến của xã hội.

Ngoài mâu thuẫn về cung cầu, việc làm của sinh viên còn tồn tại mâu thuẫn mang tính cơ cấu. Giữa nhu cầu nhân lực và mong muốn tìm việc của sinh viên có “độ vênh”. Có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, song cũng có rất nhiều nơi, nhiều ngành nghề lại không có sinh viên tốt nghiệp nào đến xin việc. Tâm lý muốn vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, muốn làm việc gần nhà còn phổ biến. Rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ngại vào làm việc khu vực tư, làm việc ở các địa phương khác. Việc này tạo ra tình trạng “anh hùng không có đất dụng võ” và nhiều “đất dụng võ” lại không có “anh hùng” nào tìm đến.

Ngoài ra, giáo dục cao đẳng, đại học trong nhiều năm còn tách rời với sự phát triển của xã hội và nhu cầu của thị trường. Điều này góp phần gây khó khăn thêm cho tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Một số chuyên ngành của các trường vẫn theo tư duy của kế hoạch kinh tế, coi nhẹ nhu cầu của thị trường dẫn đến đào tạo nhân lực không tương thích với nhu cầu xã hội. Một số trường lại quá chú trọng đến hiệu quả kinh tế, mù quáng mở các chuyên ngành thời thượng (quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính, marketing, công nghệ thông tin, kế toán...), khiến cho số lượng các sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này tăng vọt, vượt quá nhu cầu thực tế. Thậm chí, nhiều trường chạy theo lợi ích kinh tế, mở rộng qui mô đào tạo trong khi giảng viên, tài liệu, thiết bị giảng dạy lại không tương xứng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng của sinh viên tốt nghiệp và gây khó khăn nhất định cho việc tìm việc làm của sinh viên.

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp vốn nước ngoài, đến các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp địa phương phải thu hẹp dịch vụ, cắt giảm nhân công, tái cơ cấu lại nhân lực. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Sinh viên tốt nghiệp nên giải quyết vấn đề khó tìm việc như thế nào?

Sinh viên cần thay đổi quan niệm, tạo quan niệm lựa chọn ngành nghề đúng đắn. Thời đại đã thay đổi, quan niệm của sinh viên cũng cần phải thay đổi theo. Nếu như vẫn chỉ chăm chăm chọn đô thị lớn, cơ quan lớn, doanh nghiệp lớn, vẫn giữ quan điểm tiền lương, chế độ đãi ngộ thấp sẽ không làm việc thì sẽ không tìm được việc làm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Sinh viên phải đối mặt với hiện thực, không nên lý tưởng hóa mà cần phải “làm việc để tồn tại rồi mới chọn nghề để phát triển”. Nghĩa là, trước hết phải có chỗ đứng trong xã hội, qua thực tiễn làm việc và những biểu hiện nổi trội, từng bước thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình. Sinh viên cũng cần tạo cho mình quan niệm “làm việc trước, tiền lương sau”, “coi trọng sự nghiệp, không để ý đến khu vực” (khu vực công và tư, trong và ngoài địa phương).

Gần đây, có nhiều thông tin trên mạng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ nghiêm túc. “Thạc sĩ đi bán xôi” (nhưng rất thành công, tạo được thương hiệu nổi tiếng), “Tốt nghiệp cao học đi học... trung cấp” (trung cấp nghề để dễ tìm việc làm trong các doanh nghiệp, nhà máy).

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn