Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và sơ chế, bảo quản khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật ngày: 28/12/2021 15:39:07

ĐTO - Nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh với đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và sơ chế, bảo quản khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì và GS.TS Lê Văn Hòa làm Chủ nhiệm, thực hiện trong 18 tháng (từ tháng 2/2018 đến tháng 1/2021). Sở KH&CN vừa tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài này, do ThS. Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng.

Đề tài nhằm đánh giá thực trạng sản xuất cây khoai môn tại Đồng Tháp; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế, bảo quản và sử dụng phụ phẩm cây khoai môn; đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình khoai môn thâm canh; đề xuất giải pháp phát triển mô hình thâm canh khoai môn môn hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho các ngành chuyên môn có liên quan của tỉnh Đồng Tháp để phổ biến nhân rộng phục vụ phát triển ngành theo định hướng; các doanh nghiệp bảo quản và chế biến thực phẩm khi có yêu cầu để ứng dụng thương mại hóa sản phẩm...

Tại cuộc họp, sau khi nghe nhóm thực hiện đề tài báo cáo từng phần nghiên cứu, các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả đề tài, nhất là tập hợp được nhiều nhà khoa học chuyên môn sâu nghiên cứu, đồng thời có nhiều ý kiến phản biện, đề xuất để nhóm nghiên cứu hoàn chỉnh báo cáo, giúp địa phương ứng dụng dễ dàng và có hiệu quả cao. Hội đồng thống nhất đề tài đạt loại khá.

Theo nhóm nghiên cứu, mô hình mẫu trong canh tác khoai môn tại 3 điểm trên địa bàn huyện Lấp Vò cho thấy, năng suất khoai môn tại điểm thí nghiệm 1 là 13,5 tấn/ha, điểm thí nghiệm 2 là 22 tấn/ha, điểm thí nghiệm 3 là 18 tấn/ha và đối chứng là 13 tấn/ha. Chi phí phân bón của 3 điểm thí nghiệm mô hình là 31,1 triệu đồng/ha/vụ và đối chứng là 56,8 triệu đồng/ha/vụ. Chi phí bơm nước của 3 điểm thí nghiệm mô hình là 2,7 triệu đồng/ha/vụ và đối chứng là 3,6 triệu đồng/ha/vụ. Tổng chi phí là 33,8 triệu/ha/vụ và đối chứng là 60,4 triệu/ha/vụ. Chi phí của 3 mô hình giảm 44,1% so với đối chứng... Qua thí nghiệm đồng ruộng và thí nghiệm mô hình mẫu cho thấy, khi giảm 1/2 lượng phân bón NPK và giảm 1/3 số lần bơm nước tưới trong 1 vụ canh tác khoai môn thì năng suất và sự sinh trưởng của khoai môn không giảm đi, từ đó có thể giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường do bón thừa phân bón NPK trong canh tác...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn