Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực

Cập nhật ngày: 07/09/2023 15:05:48

ĐTO - Trong giai đoạn 2017 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia: “Nghiên cứu xây dựng mô hình làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân tại Đồng Tháp”; “Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất biochar và phân hữu cơ sinh học biochar phục vụ cho canh tác nông nghiệp an toàn, bền vững”; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại Làng hoa Sa Đéc - tỉnh Đồng Tháp”.

Cũng trong giai đoạn này, Sở đã ký hợp đồng triển khai thực hiện 43 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc 6 lĩnh vực như: 10 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, 18 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp, 2 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học y dược, 11 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, đồng thời ký hợp đồng triển khai thực hiện 53 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.


Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp tổ chức Hội nghị chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ quý III năm 2023 tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh

Trong 6 năm triển khai thực hiện 100 nhiệm vụ khoa học và công nghệ nêu trên đã đạt nhiều kết quả tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chẳng hạn, xuất xứ từ kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển giống lúa mùa nổi trong hệ canh tác lúa cá cho vùng ngập lũ tỉnh Đồng Tháp”, do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long chủ trì thực hiện đã chọn được 3 giống lúa mùa nổi (giống lúa Mùa Nổi 1, giống lúa Chệt Cụt, giống lúa Nàng Keo) thích hợp trong canh tác lúa cá và phù hợp với vùng ngập lũ tỉnh Đồng tháp.

Từ kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển giống lúa mùa nổi trong hệ canh tác lúa cá cho vùng ngập lũ tỉnh Đồng Tháp” do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long chủ trì thực hiện đã xây dựng được mô hình canh tác lúa mùa nổi đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 10ha, đồng thời kết hợp với nuôi cá, nuôi tôm càng xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế tăng 37,5% so với độc canh cây lúa. Từ đề tài “Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Tràm Chim thích ứng với biến đổi khí hậu”, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện, đã thu thập các cơ sở dữ liệu về hiện trạng đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tràm Chim, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp thích ứng để bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp và phần mềm khai thác về đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và sơ chế, bảo quản khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hòa là Chủ nhiệm đề tài, đã đạt được các kết quả nổi bật: quy trình sản xuất giống cây khoai môn bằng phương pháp in vitro; quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh cây khoai môn có hiệu quả kinh tế cao; quy trình sơ chế, bảo quản khoai môn; quy trình sử dụng phụ phẩm cây khoai môn. Đề tài đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của người trồng khoai môn, xây dựng quy trình canh tác hiệu quả theo chuỗi giá trị với sự đa dạng hóa sản phẩm, chi phí sản xuất giảm, trong khi năng suất, chất lượng và hiệu quả sau thu hoạch tăng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh, nâng cao thu nhập một cách ổn định và đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới cho các vùng canh tác khoai môn...

Từ năm 2017 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 280 lượt hồ sơ đề nghị hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh theo quy định với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 282/2019/NQ-HĐND ngày 8/10/2019 quy định về nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Để tăng cường khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể: thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có hoạt động sáng tạo không chuyên theo Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo và hỗ trợ hoạt động sáng tạo không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận đề xuất và quyết định hỗ trợ hoạt động sáng tạo không chuyên của tác giả Nguyễn Hùng Thắng (xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) với giải pháp hữu ích “Hệ thống điều khiển thiết bị thông minh” với tổng kinh phí 350 triệu đồng và hỗ trợ ông Đặng Văn Mãi (ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) với sản phẩm hình thành từ hoạt động sáng tạo không chuyên là “Máy cho cá ăn tự động” với tổng kinh phí hỗ trợ 278 triệu đồng.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn