Việt Nam sắp chứng kiến hiện tượng vũ trụ thế kỷ

Cập nhật ngày: 31/05/2012 14:29:53

Ngày 6/6, Việt Nam sẽ được chứng kiến sao Kim đi qua đĩa Mặt trời. Đây được coi là sự kiện thiên văn nổi bật nhất trong năm 2012, và có thể 105 năm nữa mới lặp lại.

Theo Space.com, ngày 5/6, quỹ đạo của sao Kim sẽ đưa nó lọt vào Mặt trời và Trái đất. Đây là hiện tượng mà giới thiên văn gọi là "sự di chuyển ngang qua Mặt trời" (transit).


Sao Kim trông như một chấm nhỏ di động

Khi hiện tượng trên xảy ra, sao Kim sẽ di chuyển từ trái sang phải của đĩa Mặt trời, trông như một chấm đen di động. Ông Jay Pasachoff, trưởng khoa Thiên văn của Đại học Williams (Mỹ), cho biết, chấm đen sẽ chỉ tương đương khoảng một phần nghìn diện tích đĩa Mặt trời.

Hiện tượng này xảy ra trong 6 tiếng 40 phút, nhưng phải đến năm 2117 chúng ta mới có thể quan sát lại một lần nữa. Theo ông Nguyễn Đức Phường, Tổng Thư ký Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam: "Hầu hết các nơi trên thế giới đều có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này, đây là sự kiện rất đặc biệt vì lần xảy ra tiếp theo là 105 năm nữa", ông Phường nhấn mạnh".

Trong lịch sử, con người mới chỉ chứng kiến cảnh tượng sao Kim di chuyển ngang qua Mặt trời 6 lần vào các năm 1639, 1761, 1769, 1874, 1882 và 2004.

Ở Bắc Mỹ, người dân có thể chứng kiến thời điểm sao Kim bắt đầu đi ngang qua đĩa của Mặt trời vào buổi chiều và buổi tối ở chân trời phía Tây vào ngày 5/6. Trong khi, phần lớn của châu Á và châu Âu chỉ được chứng kiến hiện tượng này vào sáng sớm ngày 6/6 khi Mặt trời vừa ló rạng ở phía Đông, và sao Kim đã nằm trong đĩa của Mặt trời.

Tại Việt Nam, hiện tượng này bắt đầu xảy ra vào lúc Mặt trời vừa xuất hiện ở chân trời phía Đông và kết thúc vào khoảng 12h trưa ngày 6/6.

Các nhà thiên văn khuyến cáo, tuyệt đối không được quan sát hiện tượng này bằng mắt thường hoặc bằng các dụng cụ quan sát không có tấm lọc Mặt trời, vì ánh sáng Mặt trời có thể gây tổn hại đến giác mạc thậm chí gây mù lòa. Chúng ta có thể đeo kính lọc Mặt trời hoặc dùng tấm phim lọc Mặt trời để bao lấy các thiết bị quan sát.

Trong tháng 6, Việt Nam cũng sẽ được chứng kiến một hiện tượng thiên văn khác là nguyệt thực. Thời điểm bắt đầu nguyệt thực là lúc 16h59 giờ Việt Nam và đạt cực đại vào lúc 18h03 ngày 4/6, khi ấy 37% bề mặt Mặt trăng sẽ bị che phủ. Hiện tượng này kết thúc lúc 19h06 cùng ngày.

HN (Theo Hải Tâm-Vietnamnet)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn