“Biệt đội” chăm sóc đồng áng giúp nông dân an tâm chống dịch

Cập nhật ngày: 17/08/2021 15:01:41

ĐTO - Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, trong khi nông dân đang vào vụ xuống giống, chăm sóc lúa thu đông năm 2021. Trước tình hình đó đã có một biệt đội chuyên chăm sóc đồng áng cho nông dân thực hiện các công việc: bón phân, xịt thuốc, thăm đồng...


Phun thuốc chăm sóc lúa vụ thu đông

Nông dân an tâm chống dịch

Có 4ha lúa canh tác ở xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh nhưng do đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc đi lại thăm đồng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ông Lê Hồng Phước ở ấp 2, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh đã giao khoán cho đội chăm sóc đồng áng hỗ trợ nông dân chăm sóc đồng ruộng thực hiện các khâu như: làm đất, sạ lúa, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun xịt thuốc... trong thời gian giãn cách.

“Bình thường thì một, hai ngày đi thăm đồng một lần, nhưng do đang trong thời gian giãn cách xã hội, từ nhà tôi qua tới ruộng phải qua 2 - 3 chốt kiểm dịch. Đi lại khó khăn quá nên tôi giao Tổ nông vụ ấp 3 chăm sóc thay tôi luôn. Làm ăn với đội này cũng được hơn 2 năm rồi, thấy anh em làm nhiệt tình, đàng hoàng giống như việc của gia đình mình nên tôi rất yên tâm giao đất cho họ chăm sóc”, ông Phước cho biết.

Anh Lê Văn Hồng Cẩm ở ấp 2, xã Ba Sao yên tâm giao khoán cho Tổ phun tưới ấp 3 chăm sóc lúa, chia sẻ: “Không phải đến thời kỳ giãn cách này mà lúc bình thường tôi cũng giao 3ha lúa cho tổ chăm sóc luôn. Nhà đơn chiếc lại đi làm ăn nên giao cho các anh làm các khâu như: chăm sóc, bơm tưới, bón phân... Đội này đa phần đều có kinh nghiệm canh tác lúa nên giao cho anh em làm, tôi rất an tâm. Đặc biệt, việc tìm nhân công làm nông nghiệp hiện nay rất hiếm nên tổ này ra đời rất phù hợp với nhu cầu của nông dân hiện nay...”.

Tổ hỗ trợ chăm sóc lúa được ông Phước và anh Cẩm nói đến đó là Tổ phun tưới ấp 3, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, thành lập từ năm 2018, hiện có 10 thành viên với độ tuổi từ 18- 42, do anh Nguyễn Chí Linh làm Tổ trưởng. Tổ chuyên làm các dịch vụ như: làm đất, sạ lúa, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun xịt thuốc...

Đội được tiêm đầy đủ vắc-xin

Anh Nguyễn Chí Linh - Tổ trưởng Tổ phun tưới ấp 3, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh cho biết, trước đây do thấy nhu cầu người dân địa phương cần thuê người xịt thuốc, bón phân lúa khá nhiều nên anh có ý tưởng thành lập tổ này để vừa làm ruộng nhà vừa lãnh đất làm cho những hộ xung quanh. Lúc đầu có vài anh em, sau đó thấy đây là công việc khá ổn định nên đã huy động các anh em trong tổ dân quân gia nhập và cùng làm. Tổ thực hiện theo hai hình thức: trọn gói hoặc làm từng công đoạn. Theo đó từ đầu vụ, tổ nhận đất và tự phân lịch cụ thể cho từng hộ, khi đến ngày giờ thì sẽ liên hệ với chủ ruộng đi phun, xịt thuốc... Do Tổ phun tưới đều là anh em trong lực lượng dân quân tự vệ của xã Ba Sao nên đã được tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ và được UBND xã Ba Sao cho phép hỗ trợ các khâu dịch vụ chăm sóc lúa cho người dân trong xã và các huyện lân cận.

Hiện bình quân mỗi vụ lúa, tổ có thể đảm nhiệm nhận làm dịch vụ khoảng 800-900 công ruộng cho nông dân. Vì vậy thu nhập của anh em trong tổ rất ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Quốc Vàng - thành viên trong Tổ phun tưới ấp 3 cho biết, nhà không có đất sản xuất nên chủ yếu đi làm thuê kiếm sống, đời sống khá khó khăn. Thế nhưng, từ khi được tham gia Tổ phun tưới, có công ăn việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng, giúp anh có điều kiện chăm lo cho gia đình tốt hơn.

“Làm kinh tế nhưng không quên nhiệm vụ, để trực chốt vừa hỗ trợ chăm sóc đồng áng cho nông dân, các đồng chí hay tranh thủ thời gian sáng sớm hoặc ra ca trực đi làm đồng cho người dân nên không ảnh hưởng công việc chung. Chúng tôi sẽ đề nghị lên UBND xã có chế độ hỗ trợ các anh đi khám sức khỏe định kỳ vì việc tiếp xúc với phân thuốc lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, tạo điều kiện tiêm vắc-xin đầy đủ để anh em tiện trong việc di chuyển làm nhiệm vụ và hỗ trợ bà con”, anh Nguyễn Thanh Hòa - Chỉ huy Phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Ba Sao cho biết.

Cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch

Theo ông Lê Văn Vui - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Sao, toàn xã hiện có trên 5.700ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 85% diện tích sản xuất lúa. Tuy nhiên, có đến 30% diện tích do người dân ngoài xã canh tác. Chính vì vậy, trước tình hình toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, việc hỗ trợ chăm sóc đồng ruộng của Tổ phun tưới đã hạn chế được tình trạng người dân từ các địa phương khác vào địa bàn xã, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ nông dân chăm sóc lúa trong tình hình dịch bệnh Covid-19, trong điều kiện bình thường, việc các thanh niên cùng hợp tác làm, cùng phát triển kinh tế đã góp phần giải quyết bài toán kinh tế cho lao động nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, ngoài quan tâm hỗ trợ mô hình, địa phương cũng đang có hướng tập hợp tổ chức này vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để hoạt động của tổ đi vào nề nếp và có sự hỗ trợ phù hợp.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Đồng Tháp đang phát huy và nhân rộng cánh đồng lớn, đòi hỏi phải áp dụng cơ giới hóa đồng ruộng, xuống giống đồng loạt, thu hoạch cùng ngày nên rất cần những tổ dịch vụ trọn gói làm nhiệm vụ chăm sóc lúa thuê cho nông dân. Việc làm của “Tổ phun tưới ấp 3, xã Ba Sao” được xem là một nhân tố quan trọng để tỉnh hoàn thiện mô hình cánh đồng lớn, cũng như hướng tới xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, nông dân chuyên nghiệp. Ngành cũng đã triển khai thí điểm việc tiêm ngừa vắc-xin cho lực lượng làm dịch vụ nông nghiệp, song số lượng còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh mở rộng tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 rộng rãi cho đội ngũ trực tiếp sản xuất.

Mẫn Nhy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn