“Cần đảm bảo lưu thông vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương”

Cập nhật ngày: 28/08/2021 20:42:27

ĐTO - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản diễn ra chiều 28/8.


Quang cảnh cuộc họp

Theo Sở Công thương Đồng Tháp, trong tuần (tính đến ngày 28/8), tổng sản lượng nông sản, thuỷ sản của tỉnh kết nối tiêu thụ được trên 10.400 tấn.  

Trong tuần, các ngành, địa phương đã tập trung giới thiệu, kết nối với các nhà phân phối, các đơn vị thu mua như: Big C, Bách Hóa Xanh, Sài Gòn Co.op, Aeon Citimart, Lotte, Vincom, Viettel post, Postmart, Công ty Cỏ May...

Tuy nhiên, vẫn còn một số loại nông sản đang có sản lượng thu hoạch rất lớn nhưng tiêu thụ chậm. Đơn cử, tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò đang vào mùa thu hoạch khoai môn, nhưng do khu vực đang phong tỏa nên khó khăn tìm đầu ra...

Trước tình hình này, các ngành, địa phương đã có sự chủ động kết nối thêm với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tìm đầu ra nông sản. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức thu gom hỗ trợ đầu ra nông sản thông qua việc triển khai phân phối các combo hàng nông sản về TP Hồ Chí Minh...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đánh giá cao tinh thần kết nối tiêu thụ hàng hóa của các ngành, địa phương trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động tiêu thụ vẫn còn khó khăn do các địa phương có những quy định không đồng nhất nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu, nông sản. Vì vậy, Phó Chủ tịch Huỳnh Minh Tuấn đề nghị cần đảm bảo lưu thông vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương. Cùng với đó, phát huy hơn nữa vai trò của Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, lưu thông nông sản và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19. Đồng thời, Tổ phải thường xuyên có báo cáo tổng hợp chung về tình hình khó khăn vướng mắc để có kiến nghị đề xuất với lãnh đạo tỉnh.

Trong vấn đề tiêu thụ nông sản, các địa phương phải thành lập đầu mối nhằm tạo sự chủ động trong cung ứng hàng hóa nội tỉnh. Trong đó, tranh thủ vận động cán bộ, công chức, viên chức đăng ký mua hàng thông qua các kênh để hỗ trợ tốt tiêu thụ hàng hóa nội tỉnh. Ngoài ra, các địa phương phải khẩn trương hoàn thành danh sách thực hiện phương án “4 tại chỗ”; đồng thời, cử bộ phận chuyên môn giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp trong việc đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh.

TRANG HUỲNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn