“Phát triển các sản phẩm OCOP, kết nối với hệ thống bán lẻ”

Cập nhật ngày: 22/12/2019 13:51:03

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nhịp cầu Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2019, chiều ngày 21/12, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Phát triển các sản phẩm OCOP, kết nối với hệ thống bán lẻ”. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cùng đại diện các doanh nghiệp (DN), nhà phân phối, bán lẻ và các hợp tác xã, hội quán trên địa bàn tỉnh.


Phó Chủ tịch tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm thực hiện chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông thôn. Để sản phẩm OCOP phát triển, việc kết nối các nhà phân phối, bán lẻ là giải pháp cần thiết. Với vai trò làm cầu nối, tại hội thảo này, UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn các nhà phân phối, bán lẻ và các HTX, hội quán chia sẻ thông tin, tìm “tiếng nói chung” trong hợp tác kinh doanh, nhằm đưa sản phẩm OCOP tỉnh nhà mở rộng thị trường.

Tại hội thảo, bà Ngô Thị Thu Trang – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ về nội dung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Giải pháp này nhằm giúp sản phẩm đạt số lượng, chất lượng để kết nối với thị trường và  thay đổi tư duy canh tác của cộng đồng. Theo bà Trang, để giúp sản phẩm vươn xa hơn, các đơn vị sản xuất cần tiếp tục tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm OCOP như đưa câu chuyện vào từng sản phẩm, quan tâm bao bì sản phẩm, quảng bá thương hiệu, kết nối đầu ra cho sản phẩm…


Các đơn vị ký kết bản ghi nhớ hợp tác 

Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, trên tinh thần giúp sản phẩm OCOP chinh phục thị trường trong và ngoài nước, thời gian qua, địa phương xây dựng những hướng đi phù hợp như sản xuất theo chuỗi giá trị với sự đồng hành của các chuyên gia. Đặc biệt là địa phương đẩy mạnh tham gia xúc tiến thương mại, kết nối hàng hóa. Chính sự tác động đó, đến nay, nhiều mặt hàng của tỉnh Đồng Tháp có mặt tại các hệ thống phân phối lớn, trong đó có sản phẩm OCOP.

Theo bà Nga, để giúp hàng hóa OCOP mở rộng mạng lưới tiêu thụ, tỉnh cần quan tâm đến các kênh quà tặng, các trang thương mại điện tử, trưng bày sản phẩm tại các điểm dừng chân, trung tâm thương mại… Trong năm 2020, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu, vì vậy tỉnh cần tập trung, tham gia vào những chương trình này để hàng hóa của địa phương tiến cận nhiều hơn với người tiêu dùng…

Tại hội thảo, nhiều DN, đại diện nhà phân phối đều cùng chung nhận định, với sản phẩm OCOP không chỉ là hàng hóa mà còn chứa đựng tính bản địa, giá trị văn hóa rất cao. Vì vậy, các DN rất mong muốn tiếp cận sản phẩm OCOP để giới thiệu đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước đòi hỏi khắt khe của thị trường, sản phẩm OCOP của địa phương không chỉ cần đạt chất lượng, an toàn mà còn phải hướng đến các tiêu chí bảo vệ môi trường, bao bì bắt mắt... Theo các DN, đối với việc liên kết tiêu thụ, các bên tham gia liên kết cần thể hiện với tinh thần cầu thị, mở lòng, sẻ chia khó khăn với nhau. Bởi người sản xuất và nhà phân phối, bán lẻ bên đều chịu sự chi phối của cơ chế thị trường và pháp luật.

Kết thúc hội thảo, ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, việc các DN, nhà bán lẻ có sự đánh giá thẳng thắn các điểm mạnh, yếu về sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ là thông tin bổ ích để đơn vị sản xuất có sự điều chỉnh, giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, UBND tỉnh cam kết đồng hành hỗ trợ trong việc liên kết giữa DN, hệ thống bán lẻ và người sản xuất được thuận lợi, đưa sản phẩm OCOP mở rộng thị trường. Theo đó, Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị các địa phương cần hỗ trợ, chủ động kết nối với các DN, giúp sản phẩm OCOP của địa phương phát triển mạnh, chinh phục cả những thị trường khó tính.

Trong khuôn khổ hội thảo, còn diễn ra phiên kết nối giữa các DN, hợp tác xã, hội quán, cơ sở sản xuất tỉnh Đồng Tháp với các nhà phân phối, bán lẻ. Kết quả có 27 đơn vị của tỉnh trao đổi kết nối tiêu thụ với Big C; có 22 đơn vị kết nối với Co.opmart Cao Lãnh và 3 đơn vị ký kết với Siêu thị Tứ Sơn. Bên cạnh đó, còn có 44 đơn vị trao đổi, kết nối, liên kết tiêu thụ với với Vinmart+, Bách Hóa Xanh, Điểm giới thiệu và bán hàng OCOP Đồng Tháp.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn