An toàn trong sử dụng động cơ điện

Cập nhật ngày: 29/04/2022 10:43:36

ĐTO - Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn điện trong dân làm 7 người chết, 3 người bị thương nhẹ. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là: sử dụng mô-tơ bơm nước tưới xoài, bị chạm vỏ, không nối đất bị điện giật dẫn đến tử vong (1 vụ làm 1 người chết); sử dụng palang điện di động không tiếp đất, palang điện bị chạm dẫn điện ra bên ngoài và giàn sắt, bị điện giật dẫn đến tử vong (2 vụ/2 người chết); lắp biển hiệu quảng cáo và điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) (2 vụ làm 3 người bị bỏng nhẹ); sử dụng máy khoan đứng dưới nước, dây điện máy khoan bị tróc vỏ dẫn đến tai nạn (1 vụ/1 người chết), kéo dây sử dụng điện sau điện kế chạm chập (2 vụ/2 người chết).


Hình ảnh Palang điện bắt vào khung sắt chưa được nối đất


Nhân viên Điện lực hướng dẫn nối đất an toàn bảo vệ khung sắt palang điện

Qua các vụ tai nạn điện nêu trên, thêm một lời cảnh báo để mọi người chú ý hơn khi sử dụng động cơ điện và thiết bị điện. Nhằm nâng cao ý thức hiểu biết của người dân về an toàn điện, giảm thiểu sự cố lưới điện và tai nạn điện trong Nhân dân, định kỳ, Công ty Điện lực Đồng Tháp phối hợp tuyên truyền an toàn điện và bảo vệ với nhiều hình thức như: phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp thực hiện chuyên mục điện và cuộc sống, tuyên truyền trên đài phát thanh ở các huyện, thành phố, tuyên truyền ở các trường học, các hội quán, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ... nhưng tai nạn điện do sử dụng động cơ điện bị chạm chập rò điện trong Nhân dân vẫn ở mức cao.

Trước thực trạng trên, trong tháng 3/2022, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã cử công nhân kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn lại về sử dụng động cơ điện cho các hộ làm bột tại huyện Châu Thành và TP Sa Đéc như sau:

Hướng dẫn lắp tiếp đất vỏ mô-tơ điện

1. Gắn kẹp cọc tiếp đất vào đầu cọc tiếp đất.

2. Đóng cọc tiếp đất xuống đất, lưu ý để đầu cọc tiếp đất cách mặt đất 5cm.

3. Luồn 1 đầu cáp đồng vào kẹp cọc tiếp đất như hình vẽ phía trên, xiết chặt kẹp cọc tiếp đất, đóng cọc tiếp đất xuống bằng mặt đất. Đầu cáp đồng còn lại bắt vào vỏ mô-tơ.

4. Trường hợp mô-tơ không đặt cố định, thì khi dời đến vị trí khác để sử dụng phải thực hiện lắp đặt cọc, kẹp tiếp đất sẵn để dễ dàng lắp vào vỏ mô-tơ.

5. Nên lắp đặt CB chống giật cho mô-tơ điện.

6. Khi mô-tơ bị rò điện, phải khắc phục sửa chữa xong mới tiếp tục sử dụng.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn