Định hướng sản xuất sạch, an toàn, tiến tới hữu cơ

Cập nhật ngày: 28/04/2022 13:10:00

ĐTO - Để định hướng nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, an toàn tiến tới hữu cơ, vừa qua, tại huyện Tam Nông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Sản xuất sạch - Nông dân khỏe - Giá trị cao”.


Mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ (huyện Tam Nông) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái

Có thể nói, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Dù phương thức sản xuất theo tập quán vẫn còn phổ biến nhưng đã có những mô hình nông nghiệp canh tác theo hướng hữu cơ, tuy nhiên các mô hình này chưa được hệ thống hoàn chỉnh theo quy trình, quy chuẩn, các bước sản xuất hữu cơ mới chỉ được thực hiện từng phần mang tính chất thói quen, bản địa.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thống nhất phải hướng tới nền sản xuất hữu cơ, nhưng đó là việc lâu dài, trước mắt cần hướng tới nền sản xuất sạch, an toàn...

Chia sẻ về các quy định trong việc xuất khẩu, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết: “Yêu cầu của thị trường trong nước hay xuất khẩu đều muốn định hướng việc giám sát, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đòi hỏi phải nâng lên hữu cơ, bởi nếu sản xuất theo hướng này thì phải bán giá cao, nhiều người tiêu dùng khó tiếp cận được. Vì vậy, không đặt mục tiêu ngay từ đầu lên hữu cơ mà nên canh tác theo hướng cận hữu cơ, loại trừ triệt để những chất để lại dư lượng và về lâu dài thì dần dần chuyển sang hữu cơ. Hiện nay, tất cả tổ chức nước ngoài làm chương trình với doanh nghiệp thì họ quan tâm chương trình bền vững, giảm vô cơ, tăng hữu cơ lên.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ: “Trước xu thế hội nhập, người nông dân phải ý thức được việc sản xuất sạch trước hết là an toàn cho gia đình, cho cộng đồng mình, sau đó doanh nghiệp xuất khẩu cũng an tâm, không lo hàng bị trả về. Thời gian tới, tôi mong rằng bà con nông dân Đồng Tháp và các nơi trong khu vực phải hướng tới nền sản xuất sạch, an toàn cho sức khỏe”.

Theo ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã xây dựng mã vùng trồng, năm 2022 dự kiến chiếm 30% số mã vùng trồng và quy hoạch cụ thể cho từng loại cây xuất khẩu đi vào từng thị trường. Với thị trường EU, tỉnh đang đứng trước thềm sản xuất theo hướng hữu cơ. Thực hiện mô hình trên cây lúa bằng cách giảm thuốc phun trên đồng, sử dụng phân vi sinh để phân hủy các chất độc tồn, sau 12 tháng, khi đủ điều kiện, sẽ tiến hành sản xuất hữu cơ. Thời gian tới, ngành nông nghiệp dự kiến mời chuyên gia Nhật Bản chuyên nghiên cứu về đất sang hỗ trợ các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tiến tới phát triển theo hướng bền vững...

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, từ năm 2017 đến nay, qua công tác kiểm tra, Cục đã loại 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 1.706 sản phẩm nằm trong nhóm độc I và II theo phân loại của Tổ chức WHO và một số loại thuốc có thời gian cách ly trên 14 ngày. Hiện tại đa số thuốc trong danh mục đều nằm trong nhóm III, IV và có thời gian cách ly dưới 14 ngày. Các cơ quan thuộc Bộ đang siết chặt từ việc đăng ký đến nhập khẩu và phân phối thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên cho các loại thuốc sinh học, cũng như các loại thuốc thế hệ mới ít gây ảnh hưởng đến người, vật nuôi và môi trường đưa vào danh mục để sử dụng hằng năm. Và định kỳ theo quý hoặc 6 tháng sẽ có kỹ sư kiểm định chất lượng, có hội đồng tư vấn rà soát các loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường để loại bỏ dần ra khỏi danh mục các loại thuốc đang lưu hành hiện nay. Còn về quản lý thuốc nhập khẩu vào Việt Nam, khi còn ngoài cảng, các doanh nghiệp phải đến làm thủ tục tại các cơ quan kiểm định được Cục Bảo vệ thực vật cho phép chỉ định, kiểm tra chất lượng đầu vào đạt đúng quy định thì mới cho đem về nhà máy phân phối ra thị trường.

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn