Bảo vệ vườn cây ăn trái thời điểm giao mùa

Cập nhật ngày: 13/06/2021 06:15:46

ĐTO - Thời tiết trong tỉnh Đồng Tháp đang trong giai đoạn giao mùa với diễn biến bất thường khi đêm và sáng thường có những trận mưa kéo dài. Đây có thể xem là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây ăn trái. Vì vậy, nông dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh nhằm bảo vệ diện tích canh tác.


Nông dân chủ động cung ứng đủ dinh dưỡng cho vườn cây ăn trái thời điểm giao mùa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có hơn 33 ngàn ha cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, Lấp Vò... Trong thời điểm giao mùa, các loại sâu, bệnh có thể xuất hiện trên cây ăn trái như: sâu đục cành, bệnh thán thư, đốm nâu, đốm trắng...

Tại huyện Lai Vung, thời gian qua, do ảnh hưởng của hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi khiến diện tích cây có múi của huyện chỉ còn hơn 3 ngàn ha, trong đó có khoảng 318ha quýt hồng. Nông dân Lai Vung đang tập trung bảo vệ vườn cây có múi thời điểm giao mùa. Là nhà vườn đang triển khai trình diễn “Giải pháp tạm thời khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, héo xanh trên cây có múi”, ông Nguyễn Văn Đầy ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết, thời điểm bắt đầu mùa mưa, không khí ẩm ướt sẽ khiến cây quýt hồng bị loét, sẹo trái. Vì vậy, từ đầu tháng 4 âm lịch, nông dân phải chủ động phòng ngừa bằng cách dùng vôi đá ngâm để phun cho cây quýt, giúp ngừa bệnh loét và sát khuẩn. Đồng thời khi trời mưa dầm phải chủ động các biện pháp chằng buộc để chống cành, hạn chế đổ gãy cây; khơi thông rãnh thoát nước không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Đối với cây cam xoàn, ông Hà Văn Giữ ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ: “Qua nhiều năm canh tác, tôi thấy khi thời tiết đang nắng mà có mưa xuống là trái cam sẽ bị nứt da, ghẻ và khô cuống khiến rụng trái. Vì vậy, để đảm bảo cho vườn cam xoàn sinh trưởng tốt, tôi chọn cách sử dụng bón phân hữu cơ cho cây. Kết hợp với đó là giữ lớp cỏ trong vườn nhằm giữ độ ẩm bền vững cho vườn cây. Ngoài ra, trong thời điểm mưa dầm, tôi phải chủ động các biện pháp thủy lợi hạn chế ngập úng trong vườn...”.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung chia sẻ: “Thời điểm chuyển mùa, để phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây có múi, nông dân chỉ cần sử dụng thuốc có chứa các gốc đồng (Cu). Trong trường hợp phát hiện bệnh ở phần rễ phải chủ động khâu thoát nước tốt. Thời gian qua, qua khuyến cáo của các chuyên gia và sự tuyên truyền của ngành nông nghiệp, nông dân đã chủ động bón phân cân đối, hạn chế phân đạm; kết hợp với việc quét vôi gốc và thân cây giúp phòng ngừa vi khuẩn Phitopthora gây bệnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng thường xuyên vận động bà con chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Đồng thời cử cán bộ bám sát địa bàn nhằm hỗ trợ nông dân các biện pháp điều trị hiệu quả”.


Chủ động các biện pháp thủy lợi nhằm đảm bảo vườn cây không bị ngập úng trong mùa mưa bão

Tại huyện Châu Thành, trong thời điểm giao mùa, thanh long là cây trồng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Ông Nguyễn Tấn Tước - thành viên Hợp tác xã Thanh long Hội quán (xã Phú Hựu) cho biết: “Thời tiết đang có những trận mưa kéo dài, thanh long dễ bị ảnh hưởng với các loại bệnh đốm trắng, đốm nâu, thán thư... Trong đó, bệnh đốm nâu thường xuất hiện nhiều. Với kinh nghiệm nhiều năm canh tác, trước thời điểm mưa dầm, tôi chủ động vệ sinh sạch cỏ dại, tiến hành tỉa cành cho vườn thông thoáng, sạch sẽ, không để vườn quá rậm rạp. Cùng với đó, tôi không tưới nước vào chiều tối vì sẽ tạo điều kiện ẩm độ cho bệnh gây hại. Ngoài ra, khi phát hiện những cành bị nhiễm đốm nâu phải loại bỏ bằng cách thu gom chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy...”.

Theo ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Phòng kỹ thuật, huấn luyện, chuyển giao công nghệ thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, thời tiết đang giao mùa nên trên nhiều loại cây ăn trái, trong đó có thanh long sẽ xuất hiện nhiều loại dịch hại. Tuy nhiên, vì trong thời điểm phòng dịch Covid-19, hạn chế tiếp xúc đông người nên đơn vị không tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp phun phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn trái cho nông dân. Song, ngành nông nghiệp huyện cũng chủ động soạn thảo nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết cách nhận biết, phương pháp phòng trừ sâu và bệnh hại nhằm thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh giúp nông dân nhận biết và có cách phòng trị”.

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn