Nghề đan lục bình

Bước chuyển mình sau hơn 10 năm phát triển

Cập nhật ngày: 06/02/2015 13:34:29

Hơn 10 năm kể từ khi việc đan lục bình bén rễ tại vùng quê huyện Cao Lãnh, nghề thủ công mỹ nghệ này đã mang lại một diện mạo mới cho vùng nông thôn nơi đây.


Đan lục bình tại cơ sở thủ công mỹ nghệ Út Nương

Hiện nay, đan lục bình là ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh tại huyện Cao Lãnh. Với một hợp tác xã và trên 32 tổ hợp tác, hằng năm nghề này giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Để có được những bước tiến quan trọng của nghề đan lục bình, trong thời gian qua, địa phương đã dành nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động như: đào tạo dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức tham quan các mô hình sản xuất ở các tỉnh, thành khác... Nhiều cơ sở thu mua sản phẩm đan lục bình nhận định, huyện Cao Lãnh là địa phương tập trung phần lớn số lượng thợ đan lục bình lành nghề của tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Nương - chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ Út Nương ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh tâm sự: “Ban đầu tôi chỉ đem nguyên liệu lục bình khô lên chào bán ở Bình Dương. Song sau thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy nếu phát triển nghề đan lục bình không những làm giàu cho chính mình mà còn có thể giúp được nhiều chị em ở đây có thêm thu nhập và góp phần tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Từ suy nghĩ đến quyết tâm thực hiện, hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Nương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và địa phương như: Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện... mở nhiều lớp dạy nghề đan lục bình cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. Sau hơn 10 năm gắn bó với công việc mang “cần câu cá” đến cho chị em phụ nữ ở nông thôn, hiện nay cơ sở thủ công mỹ nghệ của chị Nương là một trong những đơn vị hoạt động mạnh trong lĩnh vực đan lục bình của huyện Cao Lãnh. Hằng năm, cơ sở của chị xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Châu Âu khoảng vài chục ngàn sản phẩm đan bằng lục bình các loại, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu - 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Nhỏ ngụ ấp 2, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Nhờ nghề đan lục bình mà kinh tế gia đình tôi được cải thiện hơn. Với nghề này tôi có thể cân đối được các công việc trong gia đình và tận dụng được thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập”.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cao Lãnh, trong năm 2015 một dự án mới hứa hẹn mang lại nhiều đổi thay cho người lao động nghèo ở huyện Cao Lãnh là Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ chính thức đưa vào hoạt động tại huyện Cao Lãnh ở lĩnh vực sản xuất thủ công mỹ nghệ như: đan lục bình, đan tre, nứa... Theo kế hoạch của Hapro, khi doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động tại địa phương. Đồng thời, qua các hệ thống vệ tinh liên kết, Công ty ước tính sẽ giải quyết thêm khoảng 1.000 lao động của địa phương qua các tổ hợp tác, hợp tác xã... Với công suất khi đưa vào hoạt động, Hapro ước tính sẽ tiêu thụ khoảng 4,5 triệu kg lục bình khô mỗi năm. Đây là một trong những dự án được đánh giá sẽ tạo thêm sức bật mới cho ngành nghề đan lục bình tại huyện Cao Lãnh.

Ông Dương Xuân Thượng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cao Lãnh cho biết: “So với nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác thì nghề đan lục bình có nhiều ưu thế để phát triển bền vững hơn. Hơn 10 năm phát triển tại địa phương, ngành nghề này góp phần tạo được hiệu ứng xã hội rất tốt. Nhờ có công ăn việc làm ổn định nên những năm gần đây tình trạng tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, ngành nghề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở sản xuất thiếu vốn đầu tư, đầu ra của sản phẩm chưa được đảm bảo... Vì vậy, rất cần có những chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn để ngành nghề này tiếp tục phát triển ổn định”.

Mỹ Lý

 

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn