Các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 11/08/2022 10:09:52

(Bà Trần Thanh Trúc - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)

* PV: Xin bà cho biết kết quả triển khai các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) tại đơn vị những tháng đầu năm 2022?


Bà Trần Thanh Trúc

* Bà Trần Thanh Trúc (T.T.T.): Những tháng đầu năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Tháp vừa triển khai thực hiện các chương trình TDCS thông thường vừa triển khai các chương trình TDCS theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 34.692 lượt khách hàng (KH) với doanh số cho vay 1.124 tỷ đồng, đến ngày 31/7/2022, dư nợ toàn chi nhánh là 4.200 tỷ đồng với 147.922 KH còn dư nợ.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS xã hội, đặc biệt là các chương trình tín dụng cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đã hỗ trợ tạo việc làm cho 4.143 lao động (LĐ) tại địa phương và LĐ từ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 quay về và ở lại địa phương có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm, với tổng số vốn được giải ngân là 149 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.774 học sinh, sinh viên vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với số tiền gần 18 tỷ đồng; hỗ trợ 14 cơ sở giáo dục mầm non vay vốn để duy trì hoạt động sau dịch bệnh với số tiền 900 triệu đồng; cho 39 người lao động vay để xây dựng nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP với số tiền 15,5 tỷ đồng... Thông qua các chương trình TDCS tại NHCSXH, trong 7 tháng đầu năm đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm, phục vụ một số nhu cầu thiết yếu như: xây dựng nhà ở, học tập... góp phần nâng cao cuộc sống, cải thiện thu nhập.

* PV: Thời gian qua, nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất cần nguồn vốn hỗ trợ để làm ăn. Vậy, NHCSXH tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ như thế nào?

* Bà T.T.T.: Để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 phục hồi sản xuất, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Đối với triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ, toàn tỉnh có khoảng 867 doanh nghiệp (còn gọi là người sử dụng LĐ) có tham gia bảo hiểm bắt buộc cho người LĐ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh (Phòng Giao dịch cấp huyện) đã tiếp cận được 663 người sử dụng LĐ qua gặp trực tiếp, điện thoại để cung cấp thông tin, gửi mail, thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng... Qua tiếp cận, có 650 người sử dụng LĐ không có nhu cầu vay vốn, 20 người sử dụng LĐ có nhu cầu vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Chi nhánh NHCSXH đã trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn hồ sơ thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn và đã thực hiện giải ngân cho 21 người sử dụng LĐ để trả lương cho 8.215 lượt người LĐ với số tiền cho vay gần 27 tỷ đồng.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh, đồng thời chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã; chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và rà soát nhu cầu vốn TDCS thực hiện các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và triển khai khẩn trương giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng.

Tổng nguồn vốn được giao là 212,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn NHCSXH phân bổ là 173,5 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác, do UBND tỉnh giao 39 tỷ đồng. Tổng số đã giải ngân đến ngày 30/6/2022 là 5.564 lượt KH vay vốn, số tiền trên 177,7 tỷ đồng, hoàn thành 83,65% kế hoạch.

* PV: Bà cho biết vài điểm nổi bật qua thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh?

* Bà T.T.T.: Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chính phủ, thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến xã, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh đang triển khai cho vay và quản lý dư nợ với 15 chương trình TDCS và một số chương trình cho vay như: cho vay một số ngành hàng nông nghiệp tiềm năng theo Nghị quyết 138/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và cho vay dự án khởi nghiệp của Tỉnh đoàn với 148.417 KH còn dư nợ với số tiền 4.207 tỷ đồng.

Qua 20 năm triển khai thực hiện tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện giải ngân cho trên 824.793 lượt KH vay vốn với doanh số cho vay khoảng 10.860 tỷ đồng, đã giúp cho 156.410 lượt hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 75.671 LĐ. Bên cạnh việc chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH còn phối hợp các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội định hướng mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng vốn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, đã có nhiều gương điển hình tiên tiến trong thoát nghèo được biểu dương, nhân rộng, được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả của chương trình và là điểm sáng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam.

* PV: Những trăn trở của bà về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại đơn vị?

* Bà T.T.T.: 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trăn trở trong hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh như: về nhu cầu vốn vay đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm hiện nay là rất lớn nhưng nguồn vốn từ NHCSXH Việt Nam phân bổ về chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Để đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân và cũng để hạn chế tình trạng do thiếu vốn sản xuất mà người dân rơi vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thời gian tới, NHCSXH sẽ phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội xây dựng kế hoạch để tham mưu UBND tỉnh cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay đối với chương trình này.

Hiện nay, rất nhiều trường hợp người LĐ rời khỏi địa phương đi các tỉnh miền Đông và TP Hồ Chí Minh để làm việc nên phần nào ảnh hưởng đến công tác đôn đốc thu hồi nợ vay của NHCSXH, đặc biệt là đối với chương trình cho vay nhà trả chậm đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, các hộ được bố trí vào cụm, tuyến dân cư, không có đất sản xuất, việc làm không ổn định nên cả hộ đi các tỉnh khác làm ăn, công tác đôn đốc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, đây cũng là tiềm ẩn phát sinh nợ quá hạn.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn