Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Cập nhật ngày: 13/05/2015 13:52:23

Hiện nay do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.


Chủ động phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra ổ dịch nguy hiểm. Để kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm phòng được thực hiện chặt chẽ. Đến nay, ngành thú y hoàn thành việc tiêm vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả, cúm gia cầm cho đàn gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đối với đàn trâu, bò, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho hơn 7.000 con, chiếm 19,11%/tổng đàn. Đối với đàn heo, ngành đã tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh 38.200 con, chiếm 23,02%/tổng đàn; dịch tả heo là 90.300 con, chiếm 54,44%/tổng đàn. Bên cạnh đó, ngành thú y còn vận động người chăn nuôi tiêm phòng các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh khác cho đàn gia súc gia cầm như: tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn... Đối với đàn gia cầm, đã tiêm phòng trên 1,5 triệu liều vắc-xin dịch tả cho đàn vịt; tiêm phòng cúm đợt I/2015 được trên 400 ngàn con gà, chiếm 67,87% tổng đàn; tiêm phòng cúm cho vịt 2,9 triệu con chiếm tỷ lệ 89,63% tổng đàn.

Tuy nhiên, thời điểm giao mùa là giai đoạn nhạy cảm, các nhóm vi khuẩn, vi-rút rất dễ tấn công, do đó theo khuyến cáo của ngành thú y, người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chuồng trại cần phải tu sửa, che chắn kín gió khi cần thiết, phát quang bụi rậm khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt, lầy lội để hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Đối với heo và gà con chưa có khả năng tự điều tiết thân nhiệt, phải có chuồng úm. Đối với vật nuôi nhạy cảm với thời tiết như gà thì khi mùa mưa bắt đầu, người chăn nuôi cần thay đổi chất độn chuồng thường xuyên để giữ ấm cho gà, không để nấm mốc phát triển gây hại cho đàn gà.

Bên cạnh đó, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn hoặc nước uống cho gia súc, gia cầm để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như: hen suyễn, tụ huyết trùng, tiêu chảy... Hàng ngày, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy đinh và có biện pháp xử lý.

Theo ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Dịch tễ, Chi Cục Thú y tỉnh: “Để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, người chăn nuôi cần cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của con vật. Ngoài ra đối với vật nuôi mới sinh như heo, trâu, bò... cần cho vật nuôi bú sữa mẹ đầy đủ và duy trì sữa mẹ. Khi vật nuôi trong giai đoạn cai sữa, người nuôi cần bổ sung thêm men tiêu hóa để cân bằng hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, nhằm giúp vật nuôi tiêu hóa tốt hơn, hấp thụ thức ăn dễ dàng hơn. Đối với heo con tập ăn và gà con ở giai đoạn úm, tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Cung cấp đủ thức ăn xanh cho trâu bò, chú ý hiện tượng trướng hơi dạ cỏ trên trâu bò...”.

Chi cục Thú y cũng khuyến cáo trong giai đoạn này, người chăn nuôi nên áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, giảm mật độ nuôi, có biện pháp làm thoáng chuồng nuôi; thường xuyên thu gom, vận chuyển phân, các chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường; tăng thêm khẩu phần ăn, đảm bảo chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi nếu phát hiện vật nuôi có các biểu hiện như: sốt cao, ăn ít hoặc bỏ ăn, sảy thai hoặc chết cần phải nhanh chóng nhốt riêng, cách ly ra khu vực khác và báo ngay cho cán bộ thú y xã, huyện để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi.

Minh Nhật

 

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn