Đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ

Cập nhật ngày: 28/07/2021 10:41:16

ĐTO - Hướng đến sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ. Sau 3 năm thực hiện, việc liên kết trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt những kết quả khả quan.


Diện tích lúa thực hiện liên kết của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan

Nhằm cụ thể hóa Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 199/2018/NQ-HĐND về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, có quy định danh mục cụ thể ngành hàng liên kết được hưởng hỗ trợ chính sách gồm lúa, xoài, nhãn, cây có múi, rau sạch chuyên canh, sen, hoa kiểng, vịt, heo, bò, nấm rơm sạch, thủy sản.

Hướng đến phát huy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết như hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm,... Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện một số chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; chính sách hỗ trợ vay phát triển ngành hàng nông nghiệp tiềm năng; chính sách hỗ trợ lao động làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể, đối với hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai được thí điểm áp dụng trong lĩnh vực trồng lúa, trồng cây ăn trái, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích đất được hỗ trợ là 1.751ha và hỗ trợ 8 mô hình cơ giới hóa với tổng kinh phí gần 9,7 tỷ đồng. Về hỗ trợ cho vay phát triển một số ngành hàng nông nghiệp có tiềm năng trên địa bàn tỉnh, thực hiện hỗ trợ vay vốn 15 phương án, dự án với tổng kinh phí là 5,7 tỷ đồng.

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh quan tâm phát triển chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, phần lớn các tổ chức nông dân, doanh nghiệp chỉ tham gia thực hiện liên kết chủ yếu dưới hình thức cung ứng các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm hoặc chỉ liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Trong vụ đông xuân năm 2021, diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh là 196.000ha. Trong đó, diện tích thực hiện liên kết của các huyện, thành phố là gần 43.700ha, sản lượng 318.000 tấn, chiếm gần 22,3% tổng diện tích sản xuất. Đây là một tín hiệu khả quan so với cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt trên 11,5%. Vụ hè thu năm 2021, diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh gần 184.000ha, thu hoạch 56.125ha. Trong đó, diện tích dự kiến thực hiện liên kết của các huyện, thành phố là gần 25.000ha. Đối với cây ăn trái, theo số liệu thống kê có 4/12 huyện, thành phố thực hiện liên kết tiêu thụ trên 522ha, sản lượng 3.460 tấn. Trong đó, có 16 doanh nghiệp cùng các siêu thị Big C, Vinmart... liên kết tiêu thụ với 13 hợp tác xã (HTX), 5 Tổ hợp tác (THT).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chưa chủ động phối hợp và đồng hành với địa phương vận động doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. Một số địa phương chưa quan tâm, hiểu hết tầm quan trọng của Nghị quyết 199/2018/NQ-HĐND nên chưa có đề xuất, tham mưu tốt trong công tác triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các bên tham gia liên kết phải đáp ứng điều kiện đảm bảo thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm (gồm xoài, nhãn, cây có múi, bò) và tối thiểu 3 năm (gồm lúa, rau sạch chuyên canh, nấm rơm sạch, sen, hoa kiểng, vịt, heo, cá tra giống, cá sặc rằn, cá điêu hồng, cá lóc). Tuy nhiên, điều kiện này rất khó để thực hiện khi nhận thức của một số nông dân về liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, đồng thời chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đối với doanh nghiệp chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng sản xuất bền vững.

Ngoài ra, việc thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ còn nhiều bất cập, hạn chế. Đa phần nông dân mang nặng tập quán sản xuất nhỏ lẻ, diện tích đất manh mún, trình độ canh tác hạn chế. Đối với HTX, THT năng lực quản lý điều hành còn hạn chế, chưa chủ động trong xây dựng phương án liên kết; không đủ nội lực để tham gia liên kết tiêu thụ. Một số THT, HTX chưa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; chưa nắm rõ thông tin, quy trình thủ tục để được hưởng chính sách. Hiện nay, hợp đồng liên kết còn thiếu bền vững, chưa có tính ràng buộc pháp lý. Mặt khác, các bên tham gia còn thiếu tin tưởng, chia sẻ với nhau, nhất là trong thời điểm giá cả thị trường có sự biến động.

Về thủ tục và kinh phí hỗ trợ có quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ rườm rà, phức tạp. Định mức hỗ trợ của các chính sách có cùng nội dung hỗ trợ thì khác nhau, không thống nhất với nhau. Từ đó, dẫn đến khó triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ trong thực tế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ những kết quả đạt được và khó khăn tồn tại, trong thời gian tới, tỉnh thuê đơn vị tư vấn để xây dựng khung dự án/kế hoạch liên kết chung cho các địa phương, đơn vị. Đồng thời thực hiện thí điểm 2 mô hình liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP trên địa bàn huyện Lai Vung, Thanh Bình. Phấn đấu vận động các bên tham gia thực hiện dự án/kế hoạch liên kết và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến về những chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 199/2018/NQ-HĐND (cụ thể hóa Nghị định 98/2018/NĐ- CP); đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời tiếp tục rà soát và thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ các HTX, THT, nông dân các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại phù hợp với thực tiễn hơn nhằm khuyến khích các tác nhân tham gia phát triển chuỗi. Bên cạnh đó triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể trong chuỗi ngành hàng nông sản phát triển bền vững...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn