Đề xuất chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 25/04/2014 06:53:10

Ngày 24/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về việc đề xuất một số chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Đồng Tháp đã vận dụng linh hoạt các chính sách, từ đó sản xuất nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, nông nghiệp chuyển dần sang sản xuất quy mô lớn, cánh đồng liên kết, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lên 87%, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến để hạ giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp cũng còn nhiều chồng chéo, bất cập, thiếu đồng bộ, mang tính tạm thời, đối phó, một số chính sách chưa đi vào thực tiễn đời sống. Mặt khác, phần lớn các chính sách thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước nên sẽ hạn chế về quy mô và phương thức thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết nhiều chiều, đặc biệt liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; từng bước nâng cao trình độ nông dân về mọi mặt; chuyển dịch lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của dân cư nông thôn, trước hết đối với nông dân và phát triển nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu đề án đề ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất Chính phủ cho phép thử nghiệm các chính sách mới để triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp tại Đồng Tháp như: mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo cánh đồng lớn và hỗ trợ san bằng đồng ruộng ở những vùng chuyên canh tập trung; chính sách thu hút đầu tư tư nhân; có chính sách riêng để phát triển kinh tế hợp tác; hỗ trợ lao động nông nghiệp và nông thôn; thực hiện đổi mới thể chế; Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ địa phương về kinh phí xây dựng và hoàn thiện các công trình thủy lợi, hình thành diễn đàn thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ Đồng Tháp tham gia các hội chợ, diễn đàn quốc tế cho công tác xúc tiến thương mại, đầu tư.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn