Tân Hồng

Diện tích liên kết tiêu thụ năm 2015 là 11.500ha

Cập nhật ngày: 17/10/2014 13:39:01

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hồng gặp không ít khó khăn do sâu bệnh luôn diễn biến phức tạp, giá vật tư cao, lúa hàng hóa tiêu thụ không ổn định, thiếu bền vững dẫn đến người nông dân thu lợi nhuận thấp. Từ thực tế trên, trong nhiều năm qua địa phương chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng, Công ty Docimexco, Công ty ADC thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ với nông dân, đồng thời phối hợp triển khai tuyên truyền vận động, nhằm giúp nông dân nắm rõ các thông tin thực hiện liên kết với doanh nghiệp.


Thu hoạch lúa

Tổng diện tích liên kết lúa trong năm 2014 của huyện được 6.400ha, tăng hơn cùng kỳ năm 2013 trên 800ha. Ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hồng nhận định: “Thời gian qua, thực hiện mô hình liên kết gắn với tiêu thụ đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của huyện, bài toán đầu ra của sản phẩm hàng hóa được giải quyết. Ngoài ra, đây còn là điều kiện giúp người nông dân tiếp cận với việc sản xuất theo hướng mới, nhằm tăng năng suất và chất lượng lúa hàng hóa”.

Quá trình liên kết sản xuất, Công ty TNHH.MTV Lương thực Tân Hồng đã đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho nông dân tham gia vùng nguyên liệu (liên kết). Đồng thời, lực lượng nhân viên của Công ty trực tiếp hỗ trợ nông dân từ khâu xuống giống cho đến thu hoạch, hỗ trợ bao bì, chi phí vận chuyển lúa về đến nhà máy. Nếu nông dân không bán lúa tại thời điểm thu hoạch, nhà máy sẽ hỗ trợ cho tạm gửi và không tính tiền kho bãi trong thời gian 1 tháng. Trong khi đó, Công ty ADC ngoài việc đầu tư đầu vào cho nông dân đã áp dụng hình thức thu mua tại ruộng được nhiều nông dân đồng thuận.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả bước đầu việc liên kết cũng gặp một số khó khăn nhất định, các doanh nghiệp áp dụng hình thức thu mua khác nhau làm người nông dân chưa thực sự hài lòng, nông dân chưa quen với quy trình tính độ ẩm qui đổi từ lúa ướt thành khô mà chỉ muốn bán lúa tươi tại ruộng. Mặt khác, việc cập nhật giá của doanh nghiệp còn chậm hơn so với giá của thị trường. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng không đầu tư đầu vào dẫn đến sự ràng buộc với nhau lỏng lẻo. Bên cạnh đó, giữa doanh nghiệp với các ngành chức năng huyện và UBND các xã, thị trấn chưa được gắn kết nên khi xuất hiện những sự cố giữa các bên thì sự hỗ trợ của huyện làm hài hòa lợi ích các bên còn khiêm tốn.

Huyện xác định liên kết sản xuất sẽ thúc đẩy cho sự phát triển sản phẩm chủ lực tăng cao, mang đến nền nông nghiệp bền vững. Qua những năm liên kết tiêu thụ cũng như nhu cầu liên kết của các doanh nghiệp, huyện xây dựng kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa cho năm 2015 là 11.500ha

Để đạt được kế hoạch đề ra, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, UBND các xã, thị trấn và công ty tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về những lợi ích của việc sản xuất liên kết. Đồng thời, xây dựng và bố trí lịch xuống giống phù hợp giúp cho công ty và nông dân chủ động trong việc thu mua.

Đối với các hợp tác xã thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các khâu thu hoạch, vận chuyển, bốc xếp... góp phần giải quyết sự ùn tắc trong việc vận chuyển về nhà máy của doanh nghiệp có nhu cầu đưa hàng về tận đơn vị...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn