Đóng góp Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 11/11/2013 13:55:15

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan vừa chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bí thư Tỉnh uỷ Lê Vĩnh Tân cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã đến dự.

Mục tiêu của Đề án là đề xuất các mô hình tăng trưởng nông nghiệp tạo ra tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững; định hướng phân bố lại lực lượng lao động nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đồng thời, đề ra giải pháp phát triển theo hướng hiện đại bền vững 5 nhóm ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm lúa gạo, cá tra, vịt, xoài và hoa kiểng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần xem xét bổ sung thêm một số ngành hàng thế mạnh của tỉnh như rau màu, tôm càng xanh, cá điêu hồng, cá lóc, nhãn; làm rõ hơn việc sản xuất hai vụ trong năm không trồng lúa mùa lũ, để dành thời gian xả lũ phục vụ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần bổ sung rõ hơn vai trò và giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, xác định danh mục các dự án cần đầu tư, đưa ra giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư kể cả đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp, đề xuất chính sách tín dụng, chính sách đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trong ngành hàng…


Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân đề nghị ban soạn thảo đề án cần cụ thể hóa mục tiêu gia tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh mô hình liên kết nên nghiên cứu và chú trọng đến mô hình kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp; xây dựng kế hoạch huy động vốn, có đề xuất, kiến nghị đến Trung ương chính sách tín dụng, đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong từng ngành hàng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh có tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, Đề án cần có độ mở thích hợp để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung cho kịp diễn biến thị trường từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Đề án cần bổ sung lộ trình thực hiện cụ thể để cấp cơ sở dễ nắm bắt triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu ý kiến các đại biểu để bổ sung hoàn chỉnh Đề án.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn