Đồng Tháp đẩy mạnh cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương

Cập nhật ngày: 05/06/2022 05:57:09

ĐTO - Để nâng cao hiệu quả Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI), thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thiện về thể chế, nâng cao năng lực điều hành, năng lực đối thoại của chính quyền các huyện, thành phố. Từ đó, hướng đến tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN).


Cải thiện Chỉ số DDCI tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển

NỖ LỰC CẢI CÁCH CHỈ SỐ DDCI

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, DDCI Đồng Tháp năm 2021 được triển khai trong bối cảnh khi cả nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh xem việc triển khai DDCI là hoạt động thiết yếu để phản ánh tiếng nói của cộng đồng DN và các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh; đánh giá chất lượng công tác điều hành kinh tế của các huyện, thành phố và sở, ban, ngành tỉnh. Việc đánh giá của cộng đồng DN qua bộ chỉ số DDCI sẽ là thông tin đầu vào quan trọng để chính quyền các cấp của Đồng Tháp triển khai các chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn 2022-2025. Đồng thời định vị thương hiệu tỉnh Đồng Tháp là địa phương đi đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước trong cải cách hành chính, chính quyền điện tử, môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn, đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng, hiệu quả và bền vững.

Kết quả DDCI Đồng Tháp năm 2021 khối sở, ban, ngành cho thấy những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh ghi nhận. Theo đó, có đến 7 đơn vị nằm trong nhóm “Rất tốt” (tăng 6 đơn vị so với năm 2019), với điểm số khá cao (từ 77,72 -79,80 điểm); 3 đơn vị thuộc nhóm “Tốt”; 3 đơn vị thuộc nhóm “Khá tốt” và 1 đơn vị thuộc nhóm “Khá”. Cụ thể, điểm trung vị của DDCI năm 2021 khối sở, ban, ngành đạt 77,67 điểm, tăng 4,25 điểm so với năm 2019; có 5/8 chỉ số thành phần có điểm số trung vị tăng, trong đó, 2 chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” và “Cạnh tranh bình đẳng” có điểm số trung vị tăng khá ấn tượng, lần lượt là 1,25 điểm và 1,64 điểm.

Kết quả khảo sát đánh giá DDCI Đồng Tháp đối với khối chính quyền địa phương cải thiện khá tích cực. Trong đó, điểm số DDCI trung vị của các huyện, thành phố năm 2021 đạt 77,71 điểm, cải thiện tích cực so với các năm trước (67,67/100 điểm năm 2019 và 64,65/100 điểm năm 2018)... Theo đó, huyện Châu Thành là địa phương tiếp tục có kết quả đánh giá của DN về năng lực cạnh tranh cấp địa phương tốt nhất năm 2021, với 83,60 điểm, cùng thuộc nhóm “Rất tốt” là huyện Cao Lãnh và TP Hồng Ngự với số điểm lần lượt là 80,78 điểm và 80,50 điểm.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Huy Hòa - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (đơn vị tư vấn cho tỉnh Đồng Tháp), năm 2021, cộng đồng DN của Đồng Tháp rất tích cực tham gia trả lời phiếu khảo sát DDCI năm 2021. Kết quả DDCI Đồng Tháp năm 2021 cho thấy, mặc dù đại dịch Covid- 19 tác động, ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn ghi nhận và đánh giá cao những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban, ngành và cấp huyện thuộc tỉnh. Theo đó, điểm trung vị của cả hai khối đánh giá đều tăng mạnh so với năm 2019 (tăng 4,25 điểm ở khối sở, ban, ngành và tăng 5,62 điểm ở khối huyện, thành phố). Điều này cho thấy, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đang đặt kỳ vọng rất lớn vào năng lực điều hành của chính quyền cấp huyện và sở, ban, ngành tỉnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Những kết quả đạt được từ việc đánh giá DDCI là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của địa phương, giúp Đồng Tháp có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong điều kiện khó khăn, nhiều đơn vị, địa phương tích cực hỗ trợ DN, đơn cử như TP Hồng Ngự, thông qua mô hình Cà phê DN, lãnh đạo địa phương hỗ trợ nhanh thủ tục đầu tư cho DN triển khai dự án trong vòng 21 ngày”.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN

Bảo hiểm xã hội Đồng Tháp (BHXH) là đơn vị đứng vị trí thứ nhất DDCI thuộc khối sở, ban, ngành năm 2021. Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 468 ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận; xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa theo kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và theo yêu cầu của Đề án. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai giao dịch điện tử và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, cung cấp, khai thác cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm...

Nhằm cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho tỉnh Đồng Tháp, Tiến sĩ Huỳnh Huy Hòa cho biết: “Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ DN vượt khó khăn. Trong đó, các đơn vị thuộc khối sở, ban, ngành và huyện, thành phố cần chú trọng nhiều hơn hoạt động hỗ trợ DN; rà soát, bám sát DN hơn để hỗ trợ đúng và trúng những điều DN thực sự cần. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, cải cách hành chính. Ngoài ra, chú trọng hỗ trợ thay đổi và thích ứng, chuyển đổi số trong DN nhằm giúp các DN nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển...”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, các ngành, địa phương cần đánh giá lại kết quả thực hiện DDCI trong 3 năm qua, nhất là những đổi thay trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xác định rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục hạn chế, cải thiện chỉ số thực chất, đi vào chiều sâu hơn. Ngoài ra, cần chú ý cải thiện các chỉ số thành phần như: chi phí thời gian, chi phí không chính thức, hỗ trợ DN... Các sở, ban, ngành và địa phương phải xem khó khăn của DN cũng là khó khăn của chính quyền, thành công của DN cũng là thành công của địa phương. Trên tinh thần đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ DN vượt khó khăn; lắng nghe và chủ động hơn nữa trong việc tìm ra các biện pháp và thực hiện hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua những khó khăn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo sự thông suốt, đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện nhằm cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh...”.

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn