Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 06/04/2022 07:39:09

ĐTO - Là địa phương nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát huy tiềm năng đó, thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, quan tâm việc phát triển kinh tế tập thể, mô hình sản xuất mới hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến… Điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động của mô hình Hội quán Cùng nhau làm du lịch (TP Sa Đéc)

ĐIỂM SÁNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong quý I/2022, toàn tỉnh có 215 hợp tác xã (HTX) với hơn 55.000 thành viên, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 181 HTX (chiếm 84,19%). Ngoài ra, tỉnh còn có trên 1.000 tổ hợp tác với hơn 51.000 thành viên và 116 hội quán đang hoạt động với hơn 6.192 thành viên. Để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc; khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn...

Là một trong những mô hình mang lại hiệu quả, thời gian qua, Hội quán Cùng nhau làm du lịch (TP Sa Đéc) được xem là “mái nhà chung” của bà con Làng hoa Sa Đéc để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường, xây dựng sản Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững phẩm, liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ông Trần Thanh Hùng - Chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch cho biết, với nhận thức “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Hội quán kích hoạt các thành viên chuyển đổi sang tư duy làm nông nghiệp gắn với dịch vụ. Trong hoạt động du lịch vận động các thành viên hội quán góp vốn thành lập doanh nghiệp chung lấy tên là Công ty TNHH Cùng nhau đầu tư và Phát triển du lịch Đồng Tháp, hoạt động theo tiêu chí “3 cùng”: cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau hưởng thụ. Qua đó, nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên Hội quán và nông dân với nhau, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương, chắp cánh cho tài nguyên bản địa Làng hoa Sa Đéc vươn xa...

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá: “Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trong đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất gắn với thị trường, áp dụng khoa học công nghệ; phát triển HTX mang lại lợi ích thiết thực, đúng với chủ trương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; chất lượng, quy mô hoạt động HTX dần đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thời quan qua, mô hình hội quán, HTX tại Đồng Tháp đạt hiệu quả cao. Từ hiệu quả của mô hình Hội quán, HTX tại Đồng Tháp cho thấy, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là cái bẫy của ngành nông nghiệp, chỉ có hợp tác, liên kết là con đường dẫn đến thành công và phát triển bền vững. Phát triển HTX không chỉ vì mục tiêu mang lại thu nhập cao mà còn nâng cao năng lực quản trị, cách thức tổ chức, hình thành thói quen làm nông sản sạch, bảo vệ môi trường, thói quen mua chung, bán chung, dùng chung...

NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp đạt 22.883 tỷ đồng; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 43,8%; đảm bảo 100% HTX hoạt động đúng Luật HTX năm 2012, mỗi năm củng cố và nâng chất 4 HTX nông nghiệp...

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Điều này thực hiện đúng định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ có nhiều chương trình định hướng, hỗ trợ nông dân thành nông dân chuyên nghiệp; xây dựng định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái theo chiều sâu, hội nhập sâu rộng nhằm tạo ra giá trị mới trong nông nghiệp...

Trong chuyến thăm và làm việc tại Đồng Tháp vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đồng Tháp trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Điều này góp phần tích cực vào việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thu nhập của các hội viên, xã viên được tăng cao cho thấy, sức mạnh tổ chức công việc trong lĩnh vực kinh tế tập thể bước đầu đạt kết quả tốt. Thực tế đó cho thấy, Đồng Tháp có nhiều mô hình thành công, thể hiện rõ nét, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, tạo việc làm và tạo sự gắn kết cộng đồng. Với những kết quả đạt được, Đồng Tháp cần tiếp tục phấn đấu là tỉnh tiên phong với tinh thần đổi mới, năng động; khai thác tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiếp tục tạo lập lợi thế cạnh tranh mới, duy trì thứ hạng cao về môi trường kinh doanh, kết nối các tỉnh trong vùng với TP Hồ Chí Minh về hạ tầng, nguồn nguyên liệu, thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục thực hiện có chiều sâu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để phát triển ngành nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó tiếp tục thực hiện chủ trương tích tụ đất đai, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới cách thức sản xuất, tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực. Đồng Tháp cần nhân rộng mạnh mẽ mô hình HTX kiểu mới tạo ra nông sản sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường...

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn