Đồng Tháp định hướng phát triển cá tra theo hướng bền vững, hiện đại

Cập nhật ngày: 16/12/2022 18:39:17

ĐTO - Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cá tra lần thứ I năm 2022, chiều ngày 16/12, tại TP Hồng Ngự, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông  thôn (NN&PTNT)  tổ chức Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Năm 2022, ngành hàng cá tra tăng trưởng mạnh. Ước cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500ha (bằng 104% so với cùng kỳ năm 2021); sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn (bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021); kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD. Mục tiêu định hướng phát triển ngành hàng cá tra năm 2023 với diện tích thả nuôi phát sinh trong năm dự kiến đạt 5.600ha; sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỷ USD.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, thời gian qua, ngành cá tra Việt Nam có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới từng bước từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh bằng chất lượng. Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản (cá tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL. Đồng Tháp lựa chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra mang lại những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, điểm nhấn chính là mối liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra giữa các cơ sở nuôi với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh ngày càng thắt chặt.

Tính đến tháng 11/2022, diện tích nuôi cá tra của tỉnh ước đạt 2.450ha, đạt 111,3% so với kế hoạch, tăng 17,3% so cùng kỳ, với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 309/KH-UBND kế hoạch phát triển cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong hội nghị này, Đồng Tháp mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản. Chuẩn bị bước sang năm 2023, ngành hàng cá tra đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị, chuyên gia tập trung đánh giá hiện trạng, tiềm năng, những tồn tại hạn chế đang là điểm nghẽn và đề xuất giải pháp thiết thực để Bộ NN&PTNT có những chỉ đạo phù hợp thúc đẩy sự phát triển ngành cá tra trong thời gian tới, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch phát triển của ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu được thông tin nhiều vấn đề mang tính cốt lõi hiện nay như kết quả sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; tình hình thực hiện Chương trình giám sát quốc gia và quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra; công tác kiểm dịch giống cá tra và quản lý thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản; tình hình chọn giống cá tra chất lượng cao và một số tiến bộ trong sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thương phẩm cá tra; tình hình xuất khẩu sản phẩm cá tra năm 2022 và dự báo thị trường nhập khẩu cá tra năm 2023; những khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu cá tra và đề xuất giải pháp…


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để ngành hàng cá tra năm 2023 phát triển, địa phương rà soát lại quy hoạch tránh tình trạng làm mất cân bằng cán cân cung – cầu. Hướng tới sự phát triển bền vững ngành hàng thế mạnh này, các ngành hữu quan, địa phương tập trung nâng cao chất lượng con giống; thực hiện nghiêm các quy định trong sản xuất, đảm bảo yêu cầu thị trường; đẩy mạnh tìm kiếm nhiều thị trường mới và tập trung khai thác thị trường tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến cá tra cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi cùng nhau chia sẻ rủi ro nhằm hướng tới sự phát triển ngành cá tra theo hướng bền vững…

 Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn