Hội Nông dân huyện Tháp Mười

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng hóa cho nông dân

Cập nhật ngày: 31/07/2021 06:39:15

ĐTO - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, hơn một tháng qua, hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng tắt nghẽn. Trước bối cảnh đó, Hội Nông dân huyện Tháp Mười thực hiện một số giải pháp, cách làm sáng tạo bước đầu giúp người dân giải quyết tình trạng ách tắt trong khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản…


Hội Nông dân xã Mỹ An hỗ trợ nông dân tiêu thụ trứng vịt

Khơi thông đầu ra cho trứng vịt

Thời gian qua, ngành hàng vịt thế mạnh của huyện Tháp Mười có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của Covid – 19 tại Đồng Tháp và nhiều địa phương lân cận khiến ngành hàng vịt huyện Tháp Mười chịu nhiều tác động tiêu cực. Từ chỗ có liên kết và đầu ra ổn định với đối tác ở tỉnh Tiền Giang nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hơn một tuần qua, đối tác này dừng thu mua sản phẩm trứng vịt của Tổ hợp tác (THT) nuôi vịt rọ ấp Mỹ Phú C, xã Mỹ An. Thực trạng này khiến các hộ dân chăn nuôi vịt rọ tại đây gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Kim Tình - Tổ Trưởng THT nuôi vịt rọ ấp Mỹ Phú C cho biết: “Hiện tại, trung bình mỗi ngày THT có thể cung cấp từ 3.200 – 3.300 trứng vịt. Việc ngưng tiêu thụ của đối tác khiến lượng trứng vịt tồn đọng tăng vọt. Trong khi đó, trứng vịt là loại thực phẩm tươi sống và có thời gian sử dụng ngắn. Khi đối tác dừng thu mua trứng, các thành viên trong THT cũng không tìm được đầu ra khác tiêu thụ trứng. Trong tình thế cấp bách trên, THT báo với Hội Nông dân xã Mỹ An để nhờ hỗ trợ”.

Sau khi rà soát và nắm lại tình hình sản xuất ở THT nuôi vịt rọ ấp Mỹ Phú C, Hội Nông dân xã Mỹ An báo cáo nhanh tình hình với UBND xã Mỹ An và Hội Nông dân huyện Tháp Mười để tìm ra hướng giải quyết. Chị Lê Thị Mỹ Tiên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An chia sẻ: “Sau khi được sự chỉ đạo của UBND xã và Hội Nông dân huyện, chúng tôi bắt đầu đăng thông tin về việc hỗ trợ đầu ra trứng vịt cho nông dân trên mạng xã hội và các nhóm liên lạc nội bộ. Với tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, chỉ trong ngày đầu tiên thông tin, Hội Nông dân xã đã giải quyết hơn 4.000 trứng vịt tồn đọng cho nông dân. Với giải pháp trên, hơn tuần qua, Hội Nông dân xã tiêu thụ hết tổng lượng trứng vịt tồn đọng của THT nuôi vịt rọ ấp Mỹ Phú C và một số hộ chăn nuôi vịt khác”.

Xắn tay cùng vào cuộc giải quyết “điểm nghẽn” trong tiêu thụ cho nông dân

Thông tin về hiện trạng hàng hóa và nông sản đang chờ tiêu thụ tại địa phương, ông Nguyễn Văn Mãnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười cho biết, gần một tháng qua, do chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nên phần lớn nông sản của huyện vẫn còn tồn đọng khá nhiều. Đáng lưu ý là sản phẩm ếch thương phẩm và các mặt hàng rau, củ, quả tươi sống.

Để kịp thời nắm sát tình hình về sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương, UBND huyện Tháp Mười thành lập Tổ công tác rà soát, kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản và cung ứng hàng tiêu dùng trên địa bàn huyện (gọi tắt là Tổ nông sản huyện Tháp Mười). Với nhiệm vụ được phân công, Hội Nông dân huyện nhanh chóng triển khai trong hệ thống Hội và phối hợp với ngành hữu quan thực hiện việc rà soát về các chủng loại, số lượng nông sản còn tồn đọng trong người dân. Từ đó, Hội Nông dân tiến hành quảng bá và chia sẻ đến các ngành cấp trên hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ cho bà con.

Nhằm huy động tiềm lực tại chỗ, Hội Nông dân huyện thành lập Nhóm Zalo với mô hình Hội Nông dân các xã tiêu thụ nông sản qua lại với nhau. Hoạt động của nhóm này nhằm mục đích giúp nông dân ở địa phương tiêu thụ nông sản hiệu quả với giá bán ổn định. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp người dân tại địa phương mua được nông sản tươi sống với giá hợp lý. Đặc biệt hơn là giúp các hộ gia đình đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả khi mua sắm tại nhà...

Mặc dù mô hình này hoạt động chưa lâu nhưng bước đầu mang lại kết quả tích cực. Đến nay, đơn vị đã giúp nông dân tiêu thụ được 33.750 trứng vịt, trên 100kg ếch làm sạch, 149kg bông bí và các loại nông sản khác như chanh, ngó sen, khổ qua, mướp...Tuy nhiên, còn một số loại nông sản như: ếch, chanh, cá trê vàng, cá tai tượng có số lượng lớn kết nối còn chậm, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện và Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tìm kiếm, kết nối tiêu thụ cho nông dân trong thời gian tới.

Nhận diện cơ hội trong khó khăn, một vài hộ nông dân nuôi ếch, nuôi gà bắt đầu bắt tay vào lĩnh vực sơ chế, đóng gói sản phẩm của gia đình để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ. Nhờ chuyển đổi sang cách làm này, hiện tại sản phẩm gà, ếch làm sẵn của huyện Tháp Mười không chỉ tiêu thụ mạnh tại địa phương mà còn được khách hàng ở một số nơi như TP Cao Lãnh, TP HCM đặt hàng.

Hiện tại, mô hình liên kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân của Hội Nông dân huyện Tháp Mười vẫn còn ở quy mô hình nhỏ lẻ. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng ở nhiều nơi gặp khó khăn thì việc xắn tay của các cấp chính quyền cũng như sự năng động của người nông dân bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Giải pháp này còn giúp người nông dân không lo đầu ra vừa khai thác tốt thị trường “nội tỉnh”, “nội huyện”, vừa phát huy động nguồn lực tại chỗ để giải quyết khó khăn...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn