Hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Cập nhật ngày: 09/09/2022 06:00:14

ĐTO - Sáng qua (8/9), ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt la Nghị quyết); Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Chiến lược).


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: THÀNH NAM

Đại biểu Trung ương và địa phương đóng góp nhiều ý kiến về thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, đề ra các giải pháp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, để sớm đưa Nghị quyết, Chiến lược quan trọng đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đề xuất, Bộ NN&PTNT hỗ trợ, làm đầu  mối kết nối tiêu thụ nông sản có tính chất vùng, chuyển đổi số đồng bộ, vì nếu để địa phương tự làm không đủ tầm, hiệu quả không cao; cần thực hiện một số dịch vụ công trong xây dựng nông thôn mới như: thu gom rác thải, nước sạch; ngoài thực hiện các giải pháp công trình, cần quy hoạch khu dân cư đảm bảo các điều kiện phục vụ di dời dân cư bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông;...

Nghị quyết đề ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực Quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết nêu: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Đối với Chiến lược, mục tiêu chung: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là hội nghị về một vấn đề rất quan trọng. Trong Nghị quyết, nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của Nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện Nghị quyết. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, Nghị quyết đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân. Để thực hiện Nghị quyết, Chiến lược, chúng ta cần có cách tiếp cận mới và hành động quyết liệt hơn phù hợp với xu thế quốc tế, vận hành theo quy luật thị trường;... Do đó, cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị, đa sản phẩm; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ, giải pháp thị trường...

THÀNH NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn