Tháp Mười

Khai thác thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 14/03/2014 09:45:56

Những năm qua, huyện Tháp Mười tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi.

Theo thống kê, tổng diện tích sản xuất năm 2013 của huyện là hơn 109.600ha/104.000ha, đạt 105,4% kế hoạch, tăng hơn 12.400ha so với năm 2012, sản lượng đạt 700.000 tấn, năng suất bình quân 63,8tạ/ha, đạt 105% kế hoạch.


Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Trong sản xuất nông nghiệp, với chủ lực là cây lúa, huyện triển khai thực hiện 54 cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại, đồng thời, gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Ngoài liên kết với Công ty TNHH Lương thực Tân Hồng được 35 cánh đồng với gần 2600ha, huyện còn liên kết với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ lúa như: Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên. So sánh với việc sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, liên kết sản xuất giúp nông dân lãi thêm 2,2 - 2,5 triệu đồng/ha...

Huyện cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa sản xuất giống, không ngừng chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất giống nông hộ và công tác khảo nghiệm giống lúa. Trong 9 câu lạc bộ (CLB) tham gia sản xuất lúa giống, có 1 CLB đã liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tiêu thụ 603ha...

Định hướng của huyện trong phát triển nông nghiệp là từng bước đi vào chiều sâu và tăng thu nhập cho người nông dân. Mặc dù hoa màu, cây ăn trái không phải là thế mạnh của huyện nhưng huyện cũng thực nghiệm một số mô hình như trồng hoa huệ cho thu nhập khá hơn lúa gấp 2 lần,... Tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện năm qua tăng so với năm 2012 gần 32.200 con. Theo đó, huyện thực hiện chuyển giao con giống của Dự án Heifer cho bà con 5 xã từng bước mang lại hiệu quả. Diện tích thủy sản năm 2013 của huyện được thống kê hơn 580ha/600ha, đạt 96,8% so với kế hoạch, cao hơn 30,7ha so với năm 2012. Trong đó, mô hình nuôi ếch phát triển mạnh với qui mô 250 hộ nuôi, tổng số khoảng 30 triệu con.

Trong những năm qua, huyện đẩy cơ giới hóa vào sản xuất (khâu làm đất, phun xịt thuốc bằng máy đạt 100%, thu hoạch bằng máy đạt 95%; năm 2013, huyện hỗ trợ 122 máy phun thuốc cho bà con nông dân từ các nguồn vốn). Huyện cũng đẩy mạnh xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất với 81 công trình, tổng chi phí là trên 26,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn kiên cố hóa kênh mương, huyện xây dựng 2 trạm bơm, đầu tư nâng cấp 5 trạm bơm cũ và sáp nhập 115 trạm bơm điện phục vụ cho 34.820ha/37.500ha, chiếm 93% tổng diện tích sản xuất.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn