Xây dựng 11 tiêu chí “Nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại” cho cá tra và tôm sú

Cập nhật ngày: 14/03/2014 05:05:25

Ngày 12/3/2014, tại TP.Cần Thơ, Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Triển khai kết quả Dự án nuôi thủy sản bền vững theo chuẩn thương mại - SEAT (Sustaining Ethical Aquaculture Trade)”. PGS, TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, chủ nhiệm Dự án cho biết, kết quả sau 5 năm (2009-2013) Dự án đã xây dựng được bộ tiêu chí “Nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại EAFI - Ethical Aquaculture Food Index” tại một số nước Châu Á (Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và Bangladesh).

EAFI đánh giá tính bền vững về 4 mặt: kinh tế, xã hội, môi trường và quản lý, gồm 11 tiêu chí: Sản phẩm chất lượng cao; Tăng trưởng kinh tế bền vững; Phát triển vùng; Điều kiện làm việc và sinh kế; Tự do bình đẳng; Minh bạch và công bằng xã hội; An sinh và sức khỏe động vật; Chất lượng môi trường; Thích ứng biến đổi khí hậu; Những quy định của chính quyền và quản lý công nghiệp nuôi trồng thủy sản.

Theo TS Võ Nam Sơn, Khoa Thủy sản - Trường ĐH Cần Thơ, việc đưa ra EAFI là một quá trình phân tích cấp độ lặp đi lặp lại độc lập có nhiều bước dựa trên các thông tin thực tế và chú trọng các vấn đề đạo đức, tính bền vững, dễ sử dụng kể cả những người không phải là chuyên gia.

“EAFI không phải là bắt buộc, đây được xem như là công cụ hỗ trợ, cung cấp thông tin, chứng minh về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm cho người tiêu dùng Châu Âu an tâm khi quyết định mua hàng. Với tỷ lệ nhập khẩu thủy sản hơn 50%, nhưng hiện nay có nhiều rào cản, tiêu chuẩn đặt ra đối với mặt hàng này, tôi nghĩ bộ tiêu chí này sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành thủy sản thuộc 4 nước.” - PGS TS Phương nói thêm.

Dự án SEAT do EU tài trợ với tổng kinh phí hơn 5 triệu USD nhằm giúp nhiều người hiểu rõ về chuỗi giá trị ngành hàng Thủy sản mới của châu Á và nhận diện các vấn đề mang tính bền vững của ngành hàng này. Các nhà nghiên cứu quốc tế tập trung nghiên cứu bốn mặt hàng Thủy sản đang bày bán trên thị trường Châu Âu là: cá rô phi, cá tra (cá da trơn), tôm sú và tôm càng xanh. Tại Việt Nam, phạm vi Dự án thực hiện chọn 2 đối tượng nghiên cứu là cá tra và tôm sú, tổng kinh phí hơn 200.000 USD, Trường ĐH Cần Thơ là đơn vị chủ trì thực hiện.

Ngọc Bích

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn