Đồng Tháp cùng doanh nghiệp nỗ lực vực dậy sản xuất

Kỳ 1: Doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới

Cập nhật ngày: 19/10/2021 09:20:44

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211019092220mobifone_audio_1634610005411.mp3

ĐTO - Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, Đồng Tháp từng bước mở cửa phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp (DN) cũng bắt nhịp ngay trên tinh thần “sản xuất phải an toàn”.


Ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vụ thu đông 2021, Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp vẫn đảm bảo thực hiện 300ha liên kết với nông dân

Sản xuất trong điều kiện bình thường mới

Tại Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp, sau gần 3 tháng giảm công suất để thực hiện công tác phòng, chống dịch thì hiện nay nhịp độ sản xuất đã dần trở lại. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết cũng như lực lượng thăm đồng với nông dân đã phục hồi hơn 70%. Công ty đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng hơn 3.000 tấn lúa giống vụ đông xuân 2021-2022 cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp cho biết: “3 tháng thực hiện giãn cách phòng, chống dịch là thời gian khó khăn nhất đối với đơn vị. Mặc dù không dừng hẳn hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, nhưng cũng như nhiều DN khác, hoạt động của đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng đơn hàng bị giảm, khó khăn về lao động, thị trường, khiến doanh thu của công ty sụt giảm so với cùng kỳ khoảng 30%. Tuy nhiên, với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh”, công ty đã cố gắng vượt qua và sản xuất an toàn đến thời điểm này”.

Theo ông Hồng, qua một “liều thuốc thử quá nặng nề” đối với cộng đồng DN nói chung và Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp nói riêng, DN đã xác định được rằng trong điều kiện hiện nay không thể xác định câu chuyện dịch bệnh chấm hết hoàn toàn, mà DN phải thích ứng và có giải pháp an toàn để chống dịch hiệu quả. Chính vì vậy, dù các hoạt động, sản xuất kinh doanh của công ty dần hoạt động thuận lợi hơn nhưng để sản xuất an toàn trong điều kiện “bình thường mới” này, công ty thực hiện trên nguyên tắc sản xuất an toàn, thực hiện nghiêm việc kiểm soát “một cung đường hai điểm đến” đối với lao động gần nhà máy nhằm không để phát sinh dịch bệnh trong nhà máy.


Vinarice chủ động phối hợp đơn vị chức năng thực hiện test Covid-19 định kỳ cho người lao động

Nỗ lực tăng tốc trở lại

Tại Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam – Vinarice, các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở hai mảng lương thực và cung ứng giống cũng dần phục hồi và có sự tăng tốc mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu của đối tác và sản xuất của người dân. Ông Bùi Quang Sơn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam – Vinarice cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quý III năm 2021 sản lượng sản phẩm và doanh thu của DN sụt giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy, khi Đồng Tháp nới lỏng giãn cách xã hội để dần đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới, DN rất vui mừng và đang chuẩn bị các giải pháp nối lại sản xuất như: huy động lại hơn 60% lao động (85/120 lao động), đầu tư mới 4.500ha lúa giống. Mảng lương thực tranh thủ nối lại các hợp đồng với đối tác và lên kế hoạch tăng tốc gấp đôi cho năm 2022.

Để đảm bảo công tác vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, hiện nhà máy thực hiện “4 tại chỗ” kết hợp với phương án “một cung đường hai điểm đến” đối với công nhân ngụ tại địa phương. Các công nhân sản xuất tại công ty đều đảm bảo yêu cầu tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19 và test nhanh âm tính định kỳ hàng tuần. “Thời điểm này, công ty chỉ nhận lao động cách nhà máy từ 1-2km. Các lao động cũng như nhân viên công ty đều thực hiện bản cam kết (tuân thủ nghiêm việc thực hiện “một cung đường hai điểm đến”, không đi khỏi địa phương, đo thân nhiệt khi vào nhà máy...) để đảm bảo an toàn mới vào sản xuất. Mặc dù cũng còn nhiều khó khăn trong công tác di chuyển, cung ứng lúa giống cho đối tác, người dân ngoài tỉnh do các quy định về kiểm soát dịch bệnh của các nơi chưa được thống nhất, nhất là việc test nhanh, PCR (có hiệu lực 3 ngày) làm tăng khá nhiều chi phí cho công ty trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, chúng tôi hy vọng các địa phương sẽ sớm có sự thống nhất trong cách làm để tạo điều kiện cho các DN phục hồi sản xuất nhanh chóng, thuận lợi”- ông Sơn chia sẻ.


Vinarice phục hồi sản xuất với hơn 60% lao động đã trở lại làm việc

50% DN phục hồi

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, từ ngày 1/10, Đồng Tháp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã được phục hồi theo chiều hướng ngày càng mạnh mẽ. Hiện có trên 50% DN đã phục hồi sản xuất (214/431 DN) và đảm bảo sản xuất theo phương châm “4 tại chỗ”, với 23.806 lao động.

Một điều đáng ghi nhận là các DN đã dần thích nghi với tình hình mới, tái cấu trúc sản xuất, chuyển đổi số và áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Do vậy, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn có không ít DN trụ vững và tái sản xuất hiệu quả, nhất là các DN chế biến thủy sản, thực phẩm, dược, nông nghiệp...

Với chủ trương đồng hành cùng DN, xem DN là động lực để phát triển kinh tế, ngành công thương đang nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn, lao động, vắc-xin, công suất... để DN tiếp tục phục hồi sản xuất trở lại, dự kiến đến hết quý IV sẽ có trên 400 DN phục hồi sản xuất trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch.

Có thể thấy rằng, nếu như trước đây, câu chuyện dịch bệnh bất ngờ khiến DN điêu đứng thì hiện nay khi qua gần 2 năm chống dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, cùng với sự đồng hành của chính quyền các cấp, các DN đã dần cân bằng được sản xuất, vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế trong tình hình mới.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn