Đồng Tháp cùng doanh nghiệp nỗ lực vực dậy sản xuất

kỳ 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Cập nhật ngày: 21/10/2021 12:43:35

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211021124503ky20213.mp3

ĐTO - Có thể thấy rằng, hiện bản thân doanh nghiệp (DN) cũng xác định rõ nếu không đảm bảo an toàn phòng dịch thì không thể phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện theo mục tiêu này, theo DN, vẫn còn nhiều trở ngại, do vậy đi kèm với sự tự chủ, trách nhiệm của DN, cũng cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp để quá trình phục hồi sau dịch của DN thật sự bền vững.

Kỳ 1: Doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới


Bà Trần Thị Đào - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm kiến nghị các giải pháp khôi phục kinh tế

 “Phủ sóng” vắc-xin để DN sống chung an toàn với Covid-19

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp giúp DN chủ động thích ứng và sống chung an toàn với dịch Covid-19” diễn ra mới đây, bà Trần Thị Đào - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm chia sẻ: Thời gian qua, không chỉ riêng ngành dược mà hầu hết các DN đều gặp vô vàn khó khăn. Việc tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” khiến chi phí sản xuất tăng 30-40% (tương đương mỗi tháng tăng từ 1,2 – 2 tỷ đồng). Tuy nhiên, suy đi tính lại, nếu không thực hiện theo phương án này thì DN sẽ như thế nào, bởi trong môi trường DN, nếu xảy ra dịch bệnh, cả hệ thống sẽ ngừng sản xuất ngay. “Chúng tôi đánh giá cao biện pháp xác định không thể chống dịch tuyệt đối, phải tìm cách sống chung nhưng phải đảm bảo an toàn của chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, để DN thích ứng cũng cần có những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, việc “phủ sóng” vắc-xin được xem là điều kiện quan trọng nhất để DN có điều kiện khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, quan tâm vấn đề y tế cho DN, bởi thực tế qua đợt bùng phát dịch lần thứ 4, việc thực hiện phương án “4 tại chỗ” trong đó có “y tế tại chỗ” khiến DN khá lúng túng, khó thực hiện”, bà Trần Thị Đào cho biết.


Ông Huỳnh Đức Trung - Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng cần hỗ trợ tiêm vắc-xin cho các đối tượng trong chuỗi sản xuất cá tra để hoạt động vận chuyển không bị đứt gãy

Ông Huỳnh Đức Trung - Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, việc sống chung với dịch là yêu cầu tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, nếu chỉ có DN nỗ lực tái sản xuất thì chưa đủ, bởi chuỗi nuôi trồng và chế biến cá tra là ngành thế mạnh của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long chứ không riêng ở Đồng Tháp, nên cần sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương trong việc thống nhất chung về cách làm để tạo điều kiện cho việc vận chuyển sản phẩm liên tỉnh của DN được dễ dàng. Bên cạnh đó, vấn đề tiêm vắc-xin cho lao động trong chuỗi sản xuất cá tra vẫn là quan trọng nhất, nếu không có vắc-xin thì các kịch bản kinh tế xây dựng đều khó thực hiện.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, khó khăn của DN không chỉ dừng lại ở quý IV/2021 mà có lẽ hợp đồng theo thời vụ ở cả quý I/2022. Nếu không có vắc-xin thì câu chuyện sản xuất của DN vẫn còn khó khăn.

Hãy trao quyền chủ động phòng, chống dịch cho DN

Song song với câu chuyện vắc-xin là vấn đề mở cửa đón cơ hội đầu tư. Theo DN, trong điều kiện hiện nay DN hiểu rằng các bộ, ngành, địa phương đã dốc sức chống dịch và nỗ lực duy trì hoạt động kinh tế nhằm mục tiêu kép “vừa sản xuất vừa chống dịch”. Tuy nhiên, DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Để từng bước mở lối đi cho DN, địa phương nên cho DN mở lại hoạt động từng phần, từng bước trao quyền để DN tái sản xuất, kinh doanh.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết tỉnh sẽ có những độ mở phù hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Bà Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp chia sẻ, sau khi tỉnh thực hiện nới lỏng giãn cách, các DN vừa và nhỏ, đơn vị khởi nghiệp đã bắt đầu sản xuất trở lại ngay. Tuy nhiên, điều kiện để tái hoạt động là người lao động phải tiêm vắc-xin từ 1 mũi trở lên hoặc phải xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, đối với DN nhỏ và vừa, việc tiếp cận vắc-xin rất hạn chế, chi phí xét nghiệm cũng là một điều khó đối với DN. Chính vì vậy, bà Thủy đề nghị cần có phương án thông thoáng hơn cho DN hoặc “tin tưởng” để DN tự chủ phương án sản xuất phù hợp, bởi hiện nay DN đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phạm Thanh Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi cho rằng: “Khi dịch bệnh xảy ra, DN cũng lo lắng không kém bất kỳ chủ thể nào trong xã hội, thậm chí chúng tôi còn lo lắng hơn. Chúng tôi tìm hiểu cách thức phòng, chống dịch kỹ hơn nhằm nỗ lực không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo vệ lực lượng sản xuất. Chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương nên tin tưởng và trao quyền chủ động phòng, chống dịch cho DN. Khi đó, DN mới có thể chung tay một cách thực chất cùng chính quyền chống dịch hiệu quả như kỳ vọng, mong muốn”.

Doanh nhân, DN, người lao động là nguồn lực quan trọng nhất tạo nên sự vững mạnh của trụ cột kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay DN đang gặp rất nhiều khó khăn và tiếp tục khó khăn trong điều kiện sống chung với dịch. Chính vì vậy, theo các DN, để chung tay với chính quyền khôi phục lại kinh tế cần có những phương án thích nghi phù hợp. Bên cạnh đó hãy “tin DN” và trao cho DN quyền chủ động hơn trong phòng, chống dịch đi kèm với các quy định về chế tài phù hợp thì sản xuất sẽ phục hồi nhanh hơn...

Theo Sở Công Thương, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên trong khu vực ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động tại DN. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vắc-xin còn hạn chế nên độ bao phủ vắc-xin tại các DN còn khá khiêm tốn. Thống kê gần đây của Sở Công Thương Đồng Tháp, trong 214 DN thực hiện theo phương án “4 tại chỗ” với 23.806 lao động, thì đã có 19.689 lao động được tiêm mũi 1 (chiếm 82,7%), có 2.299 lao động tiêm vắc-xin mũi 2, còn lại 4.104 lao động chưa được tiêm. Xác định yếu tố vắc-xin đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh của DN, Sở Công Thương đang tiếp tục rà soát, nắm lại nhu cầu vắc-xin của DN đang hoạt động và ngừng hoạt động để có kiến nghị ưu tiên cho các đối tượng lao động, ngành nghề thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tái sản xuất, kinh doanh.       

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn