Làng nghề bánh tráng Tân Phước hối hả đón Tết

Cập nhật ngày: 11/02/2015 13:16:45

Đầu tháng 9 âm lịch hàng năm là vào vụ làm ăn lớn nhất của làng nghề bánh tráng Tân Phước (xã Tân Phước, huyện Lai Vung). Hiện các hộ dân làm bánh tráng nơi đây đang hoạt động hết công suất để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng cho mùa Tết.


Làng nghề bánh tráng Tân Phước đang “tăng tốc” phục vụ thị trường Tết

Nghề bánh tráng Tân Phước có từ lâu đời và là nghề truyền thống của một số hộ dân thuộc địa bàn xã Tân Phước, huyện Lai Vung. Mỗi ngày, làng nghề bánh tráng Tân Phước sản xuất hơn 10.000 sản phẩm bánh tráng các loại, bánh tráng ở đây chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.

Theo các hộ sản xuất bánh tráng, giá nguyên liệu năm nay tăng khoảng 5% so với năm trước. Việc sản xuất hàng hóa phục vụ Tết năm nay của làng nghề bánh tráng Tân Phước khởi động sớm hơn mọi năm. Nhìn chung, nhu cầu đặt hàng và giá các sản phẩm bánh tráng chỉ tăng nhẹ so với năm trước. Cụ thể, bánh tráng ngọt giá 11.000 đồng/10 cái; bánh tráng dừa từ 20.000 – 30.000 đồng/10 cái; bánh tráng nhúng giá 96.000 đồng/100 cái. Ngày Tết, sản phẩm bánh tráng nhúng là mặt hàng bán chạy nhất.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2015, không khí làng nghề những ngày này rất khẩn trương, bà Lê Thị Trang ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước cho biết: “Mỗi đợt Tết Nguyên đán, gia đình tôi làm vài ngàn bánh tráng ngọt bỏ mối bán. Năm nay, sức mua từ thị trường khá hơn mọi năm nên công suất sản xuất của gia đình tôi cũng tăng thêm, khoảng 1.000 – 1.500 bánh tráng ngọt/ngày, tăng khoảng 30 - 40% so với ngày thường. Với mức giá từ 11.000 đồng/10 cái, sau khi trừ các khoản chi phí, còn lời khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ngày”.

Chị Phạm Thị Khoa ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung chia sẻ: “Hiện gia đình tôi đã sẵn sàng cung ứng nguồn hàng cho thị trường Tết. Tết này, gia đình tôi chuẩn bị khoảng 20.000 sản phẩm bánh tráng ngọt với số vốn hơn 40 triệu đồng. Chi phí này để lo các khoản nguyên liệu, nhiên liệu và nhân công lao động...”.

Theo các hộ dân tại làng nghề bánh tráng Tân Phước, do nhu cầu tiêu thụ tăng nên người sản xuất cũng chú trọng nhiều hơn vào mẫu mã sản phẩm và chất lượng. Chị Nguyễn Thị Nguyệt ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước cho biết: “Trong năm, bắt đầu từ tháng 9 âm lịch đến Tết là thời điểm tiêu thụ bánh tráng mạnh nhất. Mỗi ngày, cơ sở của tôi làm từ 1.500 - 2.000 bánh tráng, những ngày có đơn đặt hàng nhiều có thể sản xuất thành phẩm 2.500 bánh. Thường thì 2 - 3 ngày, mối lái từ các tỉnh đến gom hàng 1 lần (khoảng 3.000 bánh/đợt). Có mối đặt hàng liên tục nên khá yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Sau khi trừ tất cả chi phí, còn lời từ 2.000 - 2.500 đồng/10 cái. Tuy lời ít nhưng được số lượng nhiều nên thu nhập cũng ổn”.

Làng nghề bánh tráng Tân Phước có khoảng 20 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động tại địa phương. Ngoài ra, các chị em không có vốn sản xuất cũng có thêm thu nhập từ việc làm thuê với tiền công mỗi ngày trên 100.000 đồng.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn