Huyện Tam Nông

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Cập nhật ngày: 08/10/2014 14:07:37

Là huyện thuần nông, cây lúa được xem như sản phẩm chủ lực của địa phương. Trước sức ép về đầu ra sản phẩm, huyện Tam Nông tiên phong xây dựng cánh đồng liên kết để tạo đầu ra ổn định cho cây lúa. Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành hàng chủ lực, huyện đã từng bước xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo...


Lúa gạo là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương

Thành công từ mô hình cánh đồng liên kết đầu tiên của Hợp tác xã (HTX) Tân Cường đã nhanh chóng lan rộng ra các HTX khác của huyện, từ đó sản xuất nông nghiệp của Tam Nông bắt đầu “khoác chiếc áo mới”, người nông dân không phải thấp thỏm âu lo, phó mặc cho sự may rủi.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Nông, với mô hình cánh đồng liên kết, từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích liên kết với doanh nghiệp trên 17.000ha, sản lượng tiêu thụ trên 71.000 tấn. Trong đó, với mỗi ký lúa cao hơn giá thị trường vài trăm đồng đã mang về giá trị tăng thêm từ cánh đồng liên kết là 28 tỷ đồng. Một con số không nhỏ đối với người nông dân tham gia sản xuất.

Tuy nhiên, khó khăn bước đầu thực hiện cánh đồng liên kết cũng rất lớn, đặc biệt là sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp với HTX. Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông chia sẻ: “Để xây dựng được cánh đồng liên kết, nhất thiết cần có vai trò của doanh nghiệp, nhưng để tiếp xúc với doanh nghiệp là cả vấn đề và để công ty đồng hành lâu dài với địa phương cũng là chuyện gian nan. Trong khi đó, đi vào thực hiện cánh đồng liên kết lại xuất hiện việc doanh nghiệp bẻ kèo với người nông dân, gây ra những phản ứng ngược của mô hình”.

Những khó khăn bước đầu cũng dần qua, thay vào đó là sự thông cảm, tin tưởng lẫn nhau và cùng phát triển: “Trải qua một vài sự cố không mong đợi trong thực hiện cánh đồng liên kết, người dân địa phương từng bước gắn kết với các doanh nghiệp và xem họ là người bạn đồng hành. Điển hình là nhiều lúc doanh nghiệp chưa xoay trở được vốn để trả tiền thu mua lúa cho bà con, nông dân mạnh dạn cho doanh nghiệp thiếu trong khoảng thời gian nhất định” - ông Thông chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vấn đề xây dựng cánh đồng liên kết trong tỉnh còn nhiều trục trặc do giữa đôi bên chưa xây dựng mô hình bằng niềm tin. Với nhận định đó, sự tin tưởng nhau của người nông dân huyện Tam Nông được xem là chất xúc tác hàn gắn những “vết thương” trong đổ vỡ hợp đồng thời gian qua, góp phần vững tin tham gia vào cánh đồng liên kết, thúc đẩy cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển và thành công.

Để từng bước gắn kết với nhau theo chiều sâu, huyện tiến tới xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa dựa trên cơ sở cánh đồng liên kết có sự hợp tác giữa “các nhà” bắt đầu từ vụ thu đông 2014.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, dù việc thực hiện cánh đồng liên kết đạt được thành công bước đầu nhưng vẫn “chưa đủ”, điều cần thiết là tiến đến gắn cả đầu vào hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và theo đó có sự đồng hành của “4 nhà”. Trong đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khâu đầu vào và tiến tới thu mua khi cuối vụ đầu; nhà khoa học sẽ phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp giấy chứng nhận cho vùng nguyên liệu. Nhà nước làm công tác hỗ trợ, giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp khi xảy ra những việc không mong đợi.

Trong vụ thu đông 2014, Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn và Phân bón Bình Điền sẽ liên kết để cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho xã viên các HTX. Đồng thời, Công ty Lộc Anh ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với diện tích trên 1.700ha của HTX nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, HTX nông nghiệp Tân Tiến và Phú Bình, xã Phú Đức.

Sau khi thực hiện mùa đầu tiên, huyện sẽ tiến đến đánh giá mô hình rút kinh nghiệm để mở rộng cho vụ đông xuân 2014 - 2015, với tổng diện tích gần 4.000ha tại 7 HTX nông nghiệp ở tại các xã: Phú Thọ, Phú Cường, Phú Hiệp, Phú Đức và Hòa Bình...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn