Liên kết vùng để tái khởi động ngành hàng cá tra sau dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 26/09/2021 17:28:13

ĐTO - Là thông điệp chia sẻ của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với cộng đồng doanh nghiệp và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong buổi hội nghị trực tuyến về “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào ngày 25/9 tại Đồng Tháp. Cùng tham dự có điểm cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hà Nội, Bộ Y tế và điểm cầu tại 8 tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại điểm cầu
tỉnh

Theo Tổng Cục Thủy sản, ngành hàng cá tra bắt đầu hồi phục trong sáu tháng đầu năm 2021, nhưng từ tháng 7 đến nay, ngành hàng đã đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Tính đến ngày 15/9/2021, diện tích thả nuôi cá tra mới đạt 3.516ha (bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020). Trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) diện tích thả nuôi cá tra giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn (bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020). Đặc biệt nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, đến cuối tháng 7/2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) và đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ. 

Theo thống kê, hiện có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190 ngàn người. Tính đến đầu tháng 9 có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,054 tỷ USD, bằng 106,2% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên trong tháng 8 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 85 triệu USD giảm 31% so với tháng 7.  

Riêng tại Đồng Tháp - tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất khu vực, hiện còn khoảng hơn 104.000 tấn đến kỳ thu hoạch, trong đó sản lượng cá quá size (cỡ cá >1,1kg/con) khoảng 63.789 tấn. Một số cơ sở sản xuất giống, ươm dưỡng cá tra trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động trên 2 tháng, có khả năng dẫn đến thiếu con giống cá tra cục bộ, một khi thả giống đồng loạt sau thời gian giãn cách xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, thời gian qua bên cạnh công tác tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19  thì hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp luôn được Đồng Tháp quan tâm. Cụ thể, trong thời gian qua ngành hàng cá tra là một trong những ngành hàng được tỉnh Đồng Tháp quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, nay là “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó Đồng Tháp còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành hàng chế biến thủy sản (cá tra) được ưu tiên vắc-xin, đạt tỷ lệ cao. Đồng thời, Bí Thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cũng cho rằng, để có thể phát triển thích ứng trong giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp chế biến cá tra cũng cần bố trí điều chỉnh lại hoạt động của mình để thích ứng trong tình hình mới…


Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến cá tra trong công tác thu hoạch và các quy định về vận hành nhà máy sản xuất trong bối cảnh bình thường mới

Để ngành hàng cá tra có thể vận hành thông suốt hậu Covid-19, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cá tra cũng đề xuất cần hỗ trợ tạo điều kiện tiêm vác-xin ngừa Covid-19 đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi sản xuất ngành hàng này. Cần có quy định tháo gỡ giúp doanh nghiệp thu mua, chế biến sớm hoạt động trở lại với công suất tối đa. Đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành quy định cũng như hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống dịch Covid-19 dành riêng cho doanh nghiệp trong gian đoạn bình thường mới;  kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp giảm lãi xuất vay và khoanh nợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Để có thể phát triển và vực dậy nền kinh tế sau dịch thì 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần kết nối lại với nhau thành một thực thể chung. Đề nghị các tỉnh cùng ngồi lại với nhau, các doanh nghiệp cũng cần đoàn kết cùng nhau vượt khó để có thể cùng nhau đi xa. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thể hiện vai trò điều phối, kết nối 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long trong việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ ngành hàng cá tra của các tỉnh phát triển, sau ngành hàng cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các tỉnh phát triển các chuỗi ngành hàng còn lại như: lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản theo chiều sâu…

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn