Tháo gỡ bất cập trong lưu thông hàng hóa

Cập nhật ngày: 23/09/2021 06:27:05

ĐTO - Từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, buộc phải phong tỏa giãn cách tại nhiều địa phương khiến nền kinh tế có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và suy giảm kinh tế. Do vậy việc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, kịch bản phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong điều kiện mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay...


Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán, hộ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: MỸ LÝ

Lo đứt gãy chuỗi sản xuất

Vấn đề lưu thông hàng hóa và đi lại của người lao động để không đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữa đại dịch Covid-19 đang có một số điểm nóng cần nhanh chóng tháo gỡ và nhiều địa phương đã quan tâm.

Trong 3 tháng qua, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) phá sản tại ĐBSCL tăng đột biến. Số DN tạm ngừng kinh doanh là 43.200 DN và có chiều hướng tăng nhanh. Trong tổng số 75.000 DN lớn, nhỏ trong toàn vùng ĐBSCL, hiện chỉ có chưa đến 250 DN còn đang hoạt động cầm chừng từ 20 - 40% công suất.

Nếu so sánh về tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể thì vùng ĐBSCL hiện cao gấp 2 lần so với bình quân cả nước. Báo động chuỗi cung ứng mặt hàng nông sản bị lung lay do lao động bị cách ly, giãn cách cùng với chuỗi mặt hàng nông sản do đình trệ lưu thông, do thiếu thông tin thị trường và lao động lái xe. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển đã gây ra đứt gãy.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ tiến hành khảo sát hơn 110 DN ở các tỉnh: Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long. Ba nhóm chính sách được DN quan tâm hàng đầu trong Quý III là giãn cách và hoãn thuế; giảm lãi suất ngân hàng hỗ trợ DN do ảnh hưởng dịch Covid-19; chính sách liên quan phí lệ phí sử dụng hạ tầng cảng, kho bãi, phí liên quan giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, những thiệt hại trong thời gian qua đã làm chững lại, giảm năng suất lẫn diện tích sản xuất rất nhiều, khả năng giai đoạn 3 tháng cuối năm nguồn nguyên liệu cho sản xuất sẽ thiếu hụt. Giữa các địa phương ở ĐBSCL chưa có thống nhất về các quy định giao thương toàn vùng; các tỉnh đang có những quy định khác nhau. Các tỉnh rất cần Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có quy định thống nhất cho 13 tỉnh áp dụng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần có hướng kết nối, hình thành sự giao thoa, thống nhất giữa các địa phương 13 tỉnh ĐBSCL để tạo điều kiện cho DN, thương lái di chuyển, thu mua, tiêu thụ nông thủy sản trong vùng.

Trong thời gian qua, khi TP HCM cùng 19 tỉnh Đông, Tây Nam bộ thực hiện Chỉ thị 16, Bộ GTVT đã thành lập ngay tổ công tác đặc biệt đặt ở TP HCM để cùng nắm bắt, phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết. Bộ GTVT và các bộ, ngành thường xuyên họp để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa cho các tỉnh, thành. Vướng mắc trong lưu thông hàng hóa trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, sự ùn tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là các tỉnh, thành đã đưa ra các quy định về kiểm tra xe lưu thông hàng hóa theo các cách thức khác nhau, gây ách tắc.

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ GTVT cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ nắm bắt khó khăn của các địa phương để hướng dẫn tạo đường xanh, tạo thuận lợi và ưu tiên cho hàng hóa thiết yếu, trong đó có nông sản lưu thông nhanh hơn trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Ban đầu, do lúng túng nhất định của các địa phương nên việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa bàn gặp trục trặc nhưng đến nay đã khắc phục đáng kể.

Giải pháp tích cực

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có 30 - 40% các DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất cần sự hỗ trợ.

Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh khu vực Nam bộ, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, với nguy cơ đứt gãy của toàn chuỗi nếu trong tháng 9/2021 các giải pháp chống dịch không đi kèm các biện pháp phù hợp để các DN có thể phục hồi sản xuất, và mục tiêu tới cuối năm 2021 có thể phục hồi được trên 50% công suất chế biến, kích cầu cho nông dân thả giống và ngư dân tiếp tục bám biển.

Để cứu các DN, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế điều chỉnh linh hoạt các quy định chống dịch, phương án tổ chức sản xuất phục hồi kinh tế và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản.

Trải qua những khó khăn trong thu mua cá tra thời gian vừa qua, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho rằng, 7 tỉnh, thành sản xuất cá tra cần có cuộc họp để tạo điều kiện lưu thông cho nhân công thu hoạch, nhân viên cung ứng giống đến các địa phương. Hiện nhiều lao động ở cơ sở ương giống còn chưa được tiêm vaccine nên rất khó khăn di chuyển. Các tỉnh cần có sự công nhận kết quả test Covid-19 nhiều lần liên tục để có sự thông suốt trong di chuyển.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các DN, hợp tác xã, hội quán, hộ nông dân kết nối, liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản, rà soát lượng hàng hóa tồn đọng... Trên cơ sở đó, chủ động kết nối DN, cơ sở sản xuất, hộ nông dân của tỉnh với các DN phân phối, đối tác thương mại trong và ngoài nước, từ đó hỗ trợ tiêu thụ một số nông sản tỉnh nhanh chóng, giúp nông dân giảm thiệt hại do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, hiện đã có 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác. Trang web www.htx.cooplink.com.vn với 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông - thủy sản. Mỗi ngày, trang web kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200 - 400 tấn nông - thủy sản. Có 30 đơn vị, địa phương đã xác nhận tiêu thụ được nông sản qua kết nối từ trang web này.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT gợi ý 3 giải pháp tiêu thụ nông sản. Thứ nhất là, thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn. Thứ hai, tăng cường đối thoại. Bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước - thị trường - xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống. Cuối cùng là mở rộng các không gian phát triển, xem vùng ĐBSCL như một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính. Trước đây, ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng; tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển. Ngoài ra, người làm chính sách phải đặt vào vị trí của chủ DN để thấu hiểu những khó khăn khi hàng hóa bị ùn tắc. Ngược lại, DN cũng cần tuân thủ những biện pháp sản xuất trong tình hình mới để giúp địa phương hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương cần đưa bà con vào hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo vùng trồng, vùng nuôi có mã số, có chứng chỉ chất lượng... cùng với giảm chi phí đầu vào sản xuất. ĐBSCL còn nhiều dư địa để giảm chi phí sản xuất thì cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn