Chương trình OCOP

Mang yêu thương lại về

Cập nhật ngày: 02/02/2022 11:00:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220202110444chuongtrinhocop2022.mp3

 

ĐTO - Trong cái gió se lạnh của tiết trời giao mùa, xông một ít tinh dầu bạc hà Sa Đéc của Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp (sản phẩm OCOP đạt 4 sao) để thư giãn thì không gì bằng. Thoang thoảng mùi thơm mát nhẹ nhàng của tinh dầu bạc hà, lòng chợt tự hào khi tài nguyên bản địa qua bàn tay vun đắp, sáng tạo của người dân Đất Sen hồng đang vươn mình phát triển từ chương trình OCOP.


Quýt hồng Lai Vung.
Ảnh: MINH VŨ

MỞ CỬA CHO SẢN PHẨM BẢN ĐỊA

40 năm trước, Oita - tỉnh nghèo của Nhật Bản đối diện trước làn sóng di cư đến các đô thị, nông nghiệp bị lãng quên. Trước thực trạng đó, ngài Morihiko Hiramatsu - Tỉnh trưởng Oita thực hiện chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) để phát triển nông thôn trên cơ sở tận dụng nguồn lực địa phương đã đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển thần kỳ. Chương trình này dần được triển khai rộng khắp, đến nay có trên 40 quốc gia thực hiện, trong đó có Việt Nam với tên gọi chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Đồng Tháp có nền nông nghiệp lâu đời, đây được xem là trụ đỡ chính của nền kinh tế tỉnh nhà. Vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Đồng Tháp bắt tay nhanh chóng thực hiện chương trình để đánh thức kinh tế nông thôn.

Trong tư thế sẵn sàng mang nguồn lực phát triển kinh tế, Đồng Tháp tận dụng lợi thế 39 làng nghề, làng nghề truyền thống cùng chương trình khởi nghiệp và mô hình hội quán với những thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, người nông dân chịu thay đổi, sáng tạo. Đồng Tháp còn tự hào là quê hương của những sản phẩm đặc sản như xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, nhãn Châu Thành, quýt hồng, nem Lai Vung, sen Tháp Mười... Tự hào hơn khi địa phương có Làng hoa Sa Đéc trăm tuổi khoe sắc bên dòng Sa Giang hiền hòa và du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp đậm chất miền quê sông nước, sự hào sảng của con người Đất Sen hồng.

Từ sự kết hợp các yếu tố, sự sáng tạo của những người con quê hương đã tập trung chuẩn hóa nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh có 161 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Kết quả này đạt và vượt ngoài mong đợi, cao gấp 5 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng Tháp được xem là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển chương trình OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thay vì bán nông sản thô, chương trình OCOP tạo đòn bẩy giúp nhiều sản phẩm được chế biến thành thực phẩm, đồ uống tạo ra giá trị gia tăng cao. Đây còn là chất xúc tác để sản phẩm gắn kết với người tiêu dùng, bước chân đường hoàng vào hệ thống mua sắm hiện đại. Với điểm nhấn sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm khô cá lóc Tiến Phương (đạt 3 sao) có mặt tại nhiều siêu thị, kênh phân phối hiện đại. “Quy trình OCOP có nhiều tiêu chí khá tương đồng với những quy định mà doanh nghiệp, siêu thị, kênh tiêu thụ yêu cầu. Quan trọng hơn, khi sản phẩm được chứng nhận OCOP sẽ tạo được niềm tin của khách hàng. Vì khách hàng ngày nay rất chú trọng lựa chọn sản phẩm vừa ngon vừa an toàn”, anh Nguyễn Tiến Phương - chủ cơ sở cá khô Tiến Phương chia sẻ.

Tháp Mười sở hữu diện tích sen khá lớn của tỉnh với những cánh đồng sen bạt ngàn, chứa đựng trong đó cả giá trị kinh tế và giá trị văn hóa của con người Đồng Tháp. Từ bỏ công việc đáng mơ ước của bao người tại công ty dược có tiếng, anh Ngô Khánh Huy - Giám đốc Công ty TNHH MTV SX - TM - DV Khánh Thu quay lại quê hương để cùng bà con khai thác giá trị của cây sen kết hợp với yếu tố công nghệ. Ngoài sản phẩm chế biến từ sen thì trà hoa sen (đạt sản phẩm OCOP 4 sao) của công ty mang lại ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng trong và ngoài nước. Với sự độc đáo, mới lạ lại thân quen, sản phẩm trà hoa sen của đơn vị vinh dự có mặt trong giỏ quà tặng Quốc gia.

Anh Ngô Khánh Huy bày tỏ: “Khi trà hoa sen của công ty vinh dự được góp mặt trong sản phẩm bộ quà tặng Quốc gia tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Không ngờ một ngày sản phẩm “chốn bưng biền” lại thành quà tặng Quốc gia. Bên cạnh sự hạnh phúc, doanh nghiệp cũng thấy trăn trở nhiều hơn để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm quê hương đi xa hơn nữa. Vì bởi, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì hình ảnh quê hương cũng được nhận diện”.

KẾT NỐI SẢN PHẨM OCOP VỚI THỊ TRƯỜNG

Về chương trình OCOP tỉnh nhà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng chia sẻ rằng, trên bước đường đánh thức kinh tế nông thôn thông qua chương trình OCOP, ngoài những nguồn lực có sẵn thì lãnh đạo các ngành địa phương phải đam mê, tự hào, trăn trở để hỗ trợ người dân, cơ sở, doanh nghiệp vun đắp tạo được giá trị mới từ tài nguyên bản địa.

Không để các chủ thể OCOP “lẻ loi” trên hành trình chinh phục thị trường, thời gian qua, tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; tổ chức các Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Khi khoảng cách địa lý là giới hạn để sản phẩm đặc sản OCOP tiếp cận với thị trường, Đồng Tháp nhanh chóng ra mắt Trung tâm Giới thiệu Trưng bày Đặc sản và Du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội để giới thiệu sản phẩm, hình ảnh Đồng Tháp với thị trường khu vực phía Bắc. Đây là nơi trưng bày, quảng bá, giới thiệu khoảng 200 sản phẩm đặc sản, nông sản an toàn của Đồng Tháp. Tín hiệu đáng mừng là các sản phẩm OCOP từ sen, gạo và sản phẩm sau gạo được người tiêu dùng khu vực phía Bắc rất ưa chuộng.

Tiếp tục làm cầu nối cho sản phẩm OCOP tỉnh nhà vươn xa, Đồng Tháp bắt tay cùng với các tỉnh bạn khu vực đồng bằng sông Cửu Long ra mắt Trung tâm Giới thiệu Ẩm thực - Đặc sản - Du lịch Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (The Mekong Connect) tại đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). “Mái nhà chung” này là nơi trưng bày quảng bá, chắp cánh cho sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận với khách du lịch thuận lợi. Điểm nhấn quan trọng của các trung tâm này còn là sự đồng hành hỗ trợ cho doanh nghiệp hàn gắn lại các chuỗi liên kết bị đứt gãy trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trợ lực từ công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ, giai đoạn 2018-2020 nhiều sản phẩm đặc trưng và trên 33 sản phẩm OCOP ký kết hợp đồng và cung ứng sản phẩm cho các siêu thị: Co.op Mart, Big C, Vin Mart, Bách Hóa Xanh, Annam Gourmart Marke...

Anh Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty CP Tinh Bột Xanh (TP Sa Đéc) cho biết, doanh nghiệp rất trân quý những cơ hội từ chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh. Qua đó giúp cho đơn vị đạt nhiều kết quả nhất định khi tìm được nhiều đối tác trong cả nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Thời gian qua, Đồng Tháp tập trung thực hiện giới thiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Rất vui mừng là các hệ thống siêu thị lớn, trung tâm thương mại lớn luôn đồng hành với Đồng Tháp. Qua thực hiện chương trình OCOP, tôi rất tự hào với bàn tay, trí óc, tâm huyết trong từng sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Sản phẩm được sản xuất bằng tâm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sự đồng hành của chính quyền, tôi tin rằng nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong và ngoài nước. Cùng với phong trào khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ khuyến khích đưa những sản phẩm sản xuất theo chuỗi, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, mang giá trị gia tăng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới...”.

Hành trình phía trước sẽ còn không ít chông gai nhưng với khát vọng đánh thức kinh tế nông thôn, Đồng Tháp mong muốn cùng các địa phương cả nước viết tiếp câu chuyện OCOP của nước nhà, giúp người dân nông thôn phát triển bền vững, xây dựng một vùng quê đáng sống, đầy tự hào.

Túc Lạc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn