Ngày càng nhiều sản phẩm khởi nghiệp có mặt tại các hệ thống phân phối lớn

Cập nhật ngày: 27/12/2019 13:07:34

ĐTO - Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp (DN), dự án khởi nghiệp và sơ kết hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị do Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương nhận định, hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, thấu hiểu điều đó, thời gian qua, UBND tỉnh luôn đồng hành với các startup bằng các chính sách, hoạt động thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp. Đến nay, hành trình xây dựng địa phương khởi nghiệp bắt đầu cho quả ngọt khi ngày càng nhiều sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh có mặt tại các hệ thống phân phối lớn.

Từ sự hợp lực hỗ trợ từ địa phương, trung ương và tinh thần vượt qua giới hạn của các startup, ông Nguyễn Văn Dương có niềm tin phong trào khởi nghiệp của tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu với nhiều dự án chứa hàm lượng công nghệ cao, góp phần phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Trong giai đoạn 2017-2019, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, DN nhỏ và vừa (bao gồm cả DN khởi nghiệp) góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có trên 4.000 DN thực tế đang hoạt động, vượt khá cao so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra để thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Toàn tỉnh hiện có 22 câu lạc bộ khởi nghiệp hình thành tại các trường học, địa phương đang hoạt động tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên học tập, trao đổi kiến thức, chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn chủ động kết nối các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.

Đồng hành với hoạt động khởi nghiệp địa phương trong thời gian qua, ông Phạm Duy Hiếu – Phó Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) cho rằng, tỉnh Đồng Tháp có những bước tiến nhanh trong hành trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Để “thắp lửa” khởi nghiệp cho các startup, ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ, khi thực hiện dự án các startup cần ghi nhớ 2 từ khóa đó là “tư duy mở” và “năng lượng” sẽ giúp các bạn có góc nhìn đa chiều, tạo thuận lợi trong việc thuyết phục nhà đầu tư, cộng sự đồng hành với dự án.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan bày tỏ niềm tự hào, hãnh diện và có niềm tin đối với phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà. Sự dấn thân lập nghiệp của startup không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh mà còn góp phần xây dựng “thương hiệu” quê hương Đồng Tháp. Hy vọng từ sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và tinh thần nỗ lực của các DN, phong trào khởi nghiệp sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong thời gian tới.

Thông qua các câu chuyện dẫn dắt, Bí thư Tỉnh ủy muốn truyền tải những thông điệp đến các DN khởi nghiệp là đừng hài lòng với những kết quả đang có, khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Trên bước đường khởi nghiệp cần khơi nguồn sáng tạo, đẩy mạnh liên kết hợp tác trên tinh thần tin tưởng và cùng nhau chia sẻ khó khăn. Bên cạnh đó, Bí thư còn kỳ vọng vào việc hình thành thế hệ doanh nhân tử tế trong tương lai với văn hóa “cho đi để nhận lại” và làm giàu cho chính mình bằng thái độ, sự học hỏi, kỹ năng và có niềm tin...

Dịp này, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hỗ trợ xây dựng cộng đồng khởi nghiệp năm 2019 và 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Khởi nghiệp trong thanh niên” năm 2019 được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng đại diện các sở, ngành tỉnh có buổi tiếp và làm việc với SVF về thảo luận định hướng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái địa phương mang tính bền vững, các chuyên gia SVF đề xuất với tỉnh Dự án tư vấn nâng cao năng lực xây dựng, quản lý, triển khai chiến lược phát triển tại địa phương. Theo đó, giải pháp thực hiện là nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển kinh tế địa phương hướng đến sự phát triển bền vững thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nhân, doanh nghiệp.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao ý tưởng đề xuất của dự án. Tuy nhiên, để đưa dự án vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh đề nghị đơn vị cần thông tin chi tiết các phần việc qua giai đoạn cụ thể trong dự án. Đồng thời tỉnh sẽ trao đổi, tham vấn nhiều ý kiến các đơn vị, chuyên gia đóng góp cho dự án này.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn