Châu Thành

Những tín hiệu khả quan từ sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 14/07/2014 05:34:41

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành tiếp tục duy trì và phát triển. Trong đó, huyện khai thác những loại nông sản đặc thù của địa phương, từng bước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của huyện hiện chỉ là bước sơ khởi.


Nông dân huyện Châu Thành hướng tới sản xuất lúa chất lượng cao

Ông Phan Văn Sum - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành nhận định, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều thuận lợi, đạt những kết quả khả quan. Trên tinh thần đó, huyện vừa đẩy mạnh khai thác những sản phẩm chủ lực, song cũng đẩy mạnh việc cơ cấu lại giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vụ lúa đông xuân 2013-2014 của huyện đạt năng suất bình quân 77 tạ/ha, vụ lúa hè thu 2014 năng suất bình quân 63 tạ/ha. Trong đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo sử dụng giống chất lượng cao thay thế cho giống lúa IR 50404.

Tổng diện tích cây ăn trái của huyện hiện nay là 6.330ha, trong đó diện tích nhãn chiếm gần 3.700ha. Thời gian qua, diện tích nhãn trên địa bàn bị dịch chổi rồng, gây ảnh hướng đến năng suất và thu nhập của bà con. Thống kê gần đây, diện tích nhãn nhiễm bệnh chổi rồng là 2.900ha, trong đó có 2.500ha nhiễm nặng trên 70%. Trước những điều kiện bất lợi đối với sản phẩm đặc trưng của huyện, địa phương đã vận động người dân tăng cường phòng trừ bệnh. Riêng những cây nhãn đã già cỗi, khuyến khích người dân đốn bỏ, thay thế bằng những giống mang lại nguồn lợi kinh tế cao, đồng thời, gieo trồng các giống nhãn ít chịu sự tàn phá của bệnh chổi rồng như nhãn Idor và giống nhãn Mỹ.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định với 790/1.150ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi cá tra - sản phẩm chủ lực của huyện là 190ha (giảm 34ha với cùng kỳ). Thời gian qua, giá cá tra ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg (tương đương so với cùng kỳ), người dân lỗ từ 1.000- 2.000 đồng/kg.

Hòa vào định hướng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ, ngành nông nghiệp huyện từng bước đẩy mạnh tìm đối tác để giúp nông sản địa phương có đầu ra ổn định. Tuy nhiên công tác này đối với địa phương chỉ mới bước đầu. Đối với cây lúa, huyện đẩy mạnh thực hiện cánh đồng sản xuất giống lúa chất lượng cao OM 5451 tại xã An Phú Thuận, với diện tích 260ha. Đến nay, mô hình này được sự đón nhận của bà con với năng suất đạt 6,5-8 tấn/ha. Dù chưa có công ty nào trực tiếp tham gia vào liên kết tiêu thụ, nhưng Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Thuận đã linh hoạt hợp đồng với thương lái với giá bán là 4.750 đồng/kg, cao hơn so với lúa IR 50404 là 500 đồng/kg, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha.

Mô hình liên kết giữa HTX chăn nuôi heo Phú Bình với Công ty Vissan được xem là điểm nhấn cho hợp tác liên kết của huyện, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi heo của địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, HTX đã giao cho Công ty VISSAN hơn 2000 con heo, trừ các chi phí, HTX thu về lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Ông Ngô Phi Dũng - Giám đốc HTX chăn nuôi heo Phú Bình thông tin: “Hiện nay, do giá hợp đồng giữa HTX và Công ty so với thị trường có sự chênh lệch cao nên chúng tôi tạm thời ngưng cung cấp heo cho Công ty Vissan. Do đây là hợp đồng mở nên HTX sẽ tiếp tục thỏa thuận giá cho phù hợp đảm bảo lợi ích giữa 2 bên”.

Ông Phan Văn Sum cho hay: “Hiện nay, công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm chỉ mới là bước khởi đầu. Tuy nhiên, cũng có một số tín hiệu vui như doanh nghiệp Đại Sĩ đặt vấn đề liên kết thu mua khoai lang để chế biến rượu, Công ty Bayer và Gentraco cũng tiến tới liên kết tiêu thụ lúa cho bà con nông dân...”

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn