Niềm say mê sáng tạo của anh Tú

Cập nhật ngày: 05/09/2014 05:23:14

Nếu không tận mắt chứng kiến thì rất ít người tin rằng một anh thợ làm bún ở miền quê của huyện Hồng Ngự chưa học hết lớp 5 trường làng, không được đào tạo bài bản về kỹ thuật cơ khí, điện - điện tử lại có thể chế tạo thành công chiếc máy sản xuất bánh hỏi được vận hành hoàn toàn bằng dây chuyền tự động. Hiện tại, chiếc máy này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế.


Anh Tú bên dây chuyền sản xuất bánh hỏi

Anh Bùi Thanh Tú hiện là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bùi Thanh Tú (địa chỉ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) và cũng là cha đẻ của chiếc máy sản xuất bánh hỏi. Anh Tú vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông, vì gia đình đông anh em, lại là con trai trưởng nên việc học hành của anh Tú sớm dừng lại khi chưa tốt nghiệp lớp 5 trường làng. Trưởng thành, anh lập gia đình và theo nghề làm bún truyền thống của gia đình vợ. Không chấp nhận dừng lại là một anh thợ làm bún, anh Tú bỏ công học hỏi, tự tìm tòi và chế tạo thành công máy ép bún cho gia đình. Mặc dù chiếc máy làm bún lúc bấy giờ của anh Tú không hoàn hảo như những chiếc máy công nghệ cao thời nay nhưng chiếc máy này được đông đảo khách hàng trong tỉnh và khu vực lân cận biết đến, đánh giá cao và đặt hàng cơ sở anh Tú sản xuất. Đến năm 2004, nhận thấy tiềm năng to lớn của nghề chế biến các sản phẩm từ gạo vẫn còn đang bỏ ngõ, trong khi đó, các công nghệ truyền thống không đủ điều kiện đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ của thị trường... anh Tú quyết tâm nghiên cứu và cho ra đời thành công chiếc máy làm bánh hỏi với dây chuyền tự động hóa.

Toàn bộ dây chuyền của máy sản xuất bánh hỏi được vận hành hoàn toàn bằng kỹ thuật tự động, từ khâu ngâm gạo cho đến khi cho ra lò bánh hỏi thành phẩm. Máy sản xuất bánh hỏi của anh Tú giúp tăng năng suất, kiểm soát chất lượng, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Anh Tú chia sẻ: “Trước đây làm bánh hỏi theo kiểu truyền thống, muốn làm được 200kg bánh ít nhất phải có 7 người làm xuyên suốt 4 - 5 giờ mới xong. Với chiếc máy này, hiệu suất làm việc tăng hơn rất nhiều. Một chiếc máy làm bánh hỏi công suất dạng vừa chỉ sản xuất 1 giờ đã có hơn 200kg bánh”.

Bước đột phá của máy làm bánh hỏi này là sử dụng công nghệ ép gia nhiệt liên hoàn nên sản phẩm xuất xưởng có độ dai, không bị gãy nát, bóng đẹp, nhưng vẫn giữ được hương vị tinh túy của sản phẩm truyền thống, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Máy sản xuất bánh hỏi của anh Tú không những được thị trường trong nước đánh giá cao mà một số khách hàng ngoài nước đang có nhu cầu lớn với chiếc máy này. Hiện tại, sản phẩm máy sản xuất bánh hỏi của anh Tú đã có mặt khắp đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Hà Nội. Với chiếc máy do anh Tú sáng chế, doanh nghiệp của anh đang là đối tác của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Anh Tú cho biết thêm, hiện tại nhiều đối tác ở Mỹ, Úc, Hàn Quốc đang đặt vấn đề hợp tác với doanh nghiệp của anh.

Bên cạnh sản xuất máy làm bánh hỏi, doanh nghiệp của anh Tú còn có thể cung cấp cho thị trường nhiều dòng máy đa dạng như: máy sản xuất bánh phở, bún... Hiện, anh Tú đang ấp ủ kế hoạch sản xuất máy làm đậu hủ tự động.

Anh Tú tâm sự: “Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đậu hủ của thị trường rất lớn nhưng phần lớn cơ sở chỉ sản xuất bằng thủ công nên sản phẩm làm ra chưa đáp ứng. Thời gian tới, doanh nghiệp chúng tôi dự kiến sẽ nghiên cứu và chế tạo máy làm đậu hủ để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như kịp thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Vừa qua, chiếc máy của anh Tú vinh dự là 1 trong 11 sản phẩm được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Và trong tháng 10/2014 tới, máy sản xuất bánh hỏi sẽ cùng 10 sản phẩm còn lại đại diện cho tỉnh nhà tham dự cuộc bình chọn cấp khu vực ở tỉnh Long An.

Ông Huỳnh Thanh Bá, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh nhận định: “Máy sản xuất bánh hỏi có ý nghĩa rất lớn trong việc mở ra một diện mạo mới về áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gạo truyền thống cho quê hương”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn